Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19. VnExpress trao đổi với Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung về việc thực hiện nghị quyết này.
- Khi nào người dân sẽ nhận được tiền hỗ trợ, thưa ông?
- Chính sách này sẽ được triển khai trong tháng 4, nhất là gói hỗ trợ thực hiện một lần và chi trọn gói. Trong tuần này, khi Thủ tướng ký quyết định về tiêu chí và cách làm, đơn vị hoặc cá nhân nào chuẩn bị đầy đủ thủ tục chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ được trả lời ngay.
Những trường hợp có quan hệ lao động sẽ nhận hỗ trợ thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của chính quyền địa phương. Kể từ khi người dân nộp hồ sơ, sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận phải giải quyết.
Người xưa có câu "một miếng khi đói bằng một gói khi no", nên chúng tôi hiểu rõ cần nhanh chóng thực hiện chính sách hỗ trợ người nghèo, yếu thế, người lao động mất việc làm lúc này.
Đến nay, 153.000 người đã nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn; phần đông đã phải nghỉ việc.
Ngành Lao động Thương binh Xã hội khảo sát và nhận thấy, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài như thế này, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020 sẽ khoảng 2,5 triệu người. Nếu dịch bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ khoảng 3,5 - 4 triệu người.
- Dự kiến khoảng 20 triệu người sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội, gồm những nhóm nào?
- Chúng tôi đã tính toán sơ bộ số liệu các nhóm bị tác động để làm căn cứ xác định nguồn kinh phí hỗ trợ. Đó là người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng hơn 1,3 triệu người; nhóm được bảo trợ xã hội, hưởng trợ cấp hàng tháng 3 triệu người; hộ nghèo trong danh sách đến tháng12/2019 khoảng 984.000; hộ cận nghèo 1.260; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động là một triệu.
Ngoài ra, dự kiến 3 triệu lao động được trả lương ngừng việc, trong đó doanh nghiệp khó khăn về tài chính được vay Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0%; khoảng 5 triệu người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc người không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm.
Số hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng mỗi năm tạm ngừng kinh doanh là 760.000; số lao động được tạm dừng đóng Bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí, tử tuất khoảng một triệu người.
- Căn cứ nào để xác định và thống kê lao động tự do, thưa ông?
- Vừa qua, tôi nhận được hàng trăm cuộc điện thoại và tin nhắn hỏi về việc xác định nhóm lao động tự do sẽ nhận hỗ trợ từ gói an sinh xã hội. Đây là vấn đề rất khó bởi định lượng tiêu chí không dễ, nhưng đây lại là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch. Vì vậy, chúng tôi phải cố gắng làm.
Trong dự thảo quyết định sẽ trình Thủ tướng vào ngày mai 15/4, chúng tôi dự kiến bảy nhóm lao động tự do, bao gồm: Người bán hàng rong, quà vặt; xe ôm; người thu rác; bốc vác; bán vé số; những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống; chăm sóc sức khỏe... Sau khi có quyết định của Thủ tướng, Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ ban hành văn bản chi tiết hóa một bước nữa để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.
- Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra giải pháp gì để tiền hỗ trợ đến đúng người thụ hưởng, không để chính sách bị lợi dụng?
- Giải pháp quan trọng nhất là phải công khai, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu rà soát, lập danh sách, xét duyệt và chi trả. Chủ tịch UBND các cấp phải chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo hỗ trợ đúng người, kịp thời, đầy đủ, không để xảy ra sai sót, tiêu cực. Danh sách thụ hưởng cần minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết ở cấp xã, phường.
Quá trình thực hiện, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát từng cấp, ai vi phạm phải xử lý nghiêm minh với mức cao nhất. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, người dân cần phát huy vai trò giám sát khi thực hiện chính sách.
Doanh nghiệp được vay ưu đãi để trả lương cho người lao động cũng có những ràng buộc nhất định để tránh trục lợi, như chỉ được vay khi đã trả 50% mức lương cho công nhân. Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm lập danh sách và cơ quan chức năng sau khi đã kiểm tra sẽ chuyển thẳng cho người lao động, chứ không thông qua doanh nghiệp.
Nếu chúng ta làm đúng và đầy đủ các bước đó chắc chắn sẽ hạn chế tối đa việc trục lợi và vi phạm trong thực hiện chính sách.
Ngày 9/4, Thủ tướng ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Gói hỗ trợ này dự kiến hơn 62.000 tỷ đồng cho khoảng 20 triệu người.
Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã phối hợp với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng ban hành quyết định về quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai với từng nhóm thụ hưởng. Sau khi Thủ tướng thông qua, các bộ sẽ ban hành thông tư hướng dẫn triển khai.
Người dân được hỗ trợ tối đa 3 tháng với các mức khác nhau, từ 250.000 đồng đến 1,8 triệu đồng mỗi tháng.