Nội dung được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (TCIP - chủ đầu tư) báo cáo lãnh đạo TP HCM hôm 20/12, sau khi làm việc với Sở Giao thông Vận tải liên quan dự án Phát triển giao thông xanh (buýt BRT Số 1). Trước đó, sở kiến nghị tạm hoãn dự án này để chờ đồng bộ hạ tầng kết nối, nhưng sau khi rà soát, các bên thống nhất điều chỉnh dự án để thực hiện.
Theo đó, trên hành lang dài 26 km trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ từ vòng xoay An Lạc (Bình Chánh) đến ga Rạch Chiếc (TP Thủ Đức) - nơi xây dựng tuyến BRT Số 1, các bên đề xuất thay bằng tuyến buýt xanh chất lượng cao. Tuyến này cũng kết nối trạm trung chuyển Bến Thành, bến xe Chợ Lớn, tương tự kế hoạch xây dựng buýt BRT. Thành phố sẽ đầu tư hạ tầng cùng các phương án tổ chức giao thông đảm bảo xe chạy nhanh, đúng giờ, tiện nghi...
Để giảm chi phí đầu tư giai đoạn đầu khi lượng khách chưa cao, chủ đầu tư và Sở Giao thông Vận tải thống nhất đề xuất giảm mua sắm phương tiện, công trình hạ tầng như trạm nạp nhiên liệu, nơi bảo dưỡng... Các bên cũng kiến nghị tạm dừng đầu tư xây mới trên đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, chỉ làm một số cầu vượt trên tuyến cho đến khi lượng khách của dự án đạt công suất thiết kế... Thời gian đầu, khách sẽ sử dụng xe buýt gom và các lối đi bộ để tiếp cận trạm dừng các tuyến buýt chất lượng cao...
Theo TCIP, trường hợp nhà tài trợ đồng thuận theo phương án điều chỉnh, dự án sẽ thi công các gói thầu xây lắp vào tháng 9/2022 và hoàn thành, đưa vào khai thác hai năm sau đó. Khi vận hành, tuyến này trở thành hành lang giao thông công cộng, với tuyến buýt chất lượng cao có đặc thù như làn đường ưu tiên, trạm dừng trên dải phân cách giữa dọc tuyến, trạm trung chuyển Bến Thành, chợ Lớn cùng các depot (nơi sửa, bảo trì...) ở Thủ Thiêm, Rạch Chiếc...
Dự án tuyến buýt BRT Số 1 ở TP HCM tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng, gồm hơn 121 triệu USD từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), còn lại vốn đối ứng thành phố. Để triển khai hiệu quả công trình này, thành phố bổ sung dự án hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Thuỵ Sĩ thông qua tổ chức SECO, với tổng vốn khoảng 10,5 triệu USD. Dự án trên được bổ sung để thực hiện nghiên cứu quy hoạch chung TP Thủ Đức, kết nối trạm dừng BRT và đào tạo nhân lực quản lý, vận hành hệ thống buýt BRT...
Trước đó, chủ đầu tư cho biết nếu TP HCM tạm hoãn thực hiện, ngân hàng sẽ huỷ dự án và chấm dứt vốn tài trợ. Điều này đồng nghĩa không thể triển khai gói thầu tư vấn tổ chức lại mạng lưới xe buýt ở thành phố từ nguồn này.
Việc chấm dứt vốn cho dự án cũng sẽ dừng luôn dự án hỗ trợ kỹ thuật của SECO cũng như chấm dứt ký hợp đồng tư vấn nghiên cứu lập quy hoạch chung TP Thủ Đức... Do vậy, chủ đầu tư cho biết việc tiếp tục triển khai dự án ngay từ năm 2022 sau khi điều chỉnh sẽ giúp tranh thủ nguồn vốn tài trợ.
Gia Minh