Đây là các chương trình, dự án trọng điểm vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư. Tổng kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư những dự án này hơn 19,5 tỷ đồng.
Các tuyến vành đai ở thành phố là một trong nhóm dự án được đề xuất ưu tiên. Trong đó Vành đai 2 còn ba đoạn dài hơn 11 km chưa được đầu tư, gồm: đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội), đoạn 2 (từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng), đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh). Ba đoạn này dự kiến tổng vốn hơn 26.000 tỷ đồng.
Vành đai 3 dài hơn 90 km đi qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, cũng trong danh mục dự án đề xuất. Giai đoạn một, công trình ước tính tổng vốn gần 93.000 tỷ đồng, kết hợp đầu tư giữa phương thức đối tác công tư (PPP) và đầu tư công. Riêng Vành đai 4 dài 198 km, đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, đang được nghiên cứu và dự kiến triển khai trước năm 2030.
Nhóm dự án hỗ trợ các tuyến metro ở TP HCM gồm 4 công trình: tăng khả năng tiếp cận và kết nối xe buýt với Metro Số 1; công trình kết nối Metro Số 1 và 2 tại ga Bến Thành; lắp đặt thang máy ở các cầu bộ hành nhà ga Metro Số 1; hệ thống quan trắc phục vụ khai thác, vận hành Metro số 1. Bốn dự án này dự tính đầu tư công, tổng vốn gần 2.300 tỷ đồng.
Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị làm các bước chuẩn bị đầu tư nhiều dự án thuộc đề án thu phí hạ tầng cảng biển như hoàn thiện đoạn vành đai phía Đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thuỷ (vốn hơn 1.200 tỷ đồng); từ Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2 (hơn 1.000 tỷ đồng); hoàn thiện đường trục Bắc - Nam, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm (vốn hơn 7.000 tỷ đồng)...
Nhóm dự án đường cao tốc gồm hai tuyến TP HCM - Mộc Bài và TP HCM - Chơn Thành. Hai dự án này triển khai theo hình thức PPP, lần lượt có tổng đầu tư 15.900 tỷ đồng và hơn 21.200 tỷ đồng.
Nhóm dự án liên kết vùng được đề xuất đầu tư 3 công trình: mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây cầu Ông Lớn (kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng); xây dựng đường mới phía Tây Bắc; nâng cấp, mở rộng đường Long Hậu (vốn đầu tư 500 tỷ đồng).
Nhóm dự án xây cầu, đường ở khu nội đô, bến bãi và chống sạt lở đầu tư bằng ngân sách gồm 24 công trình. Trong đó có nhiều dự án lớn như nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), đầu tư gần 10.000 tỷ đồng: xây cầu đường Bình Tiên (quận 6, 8), vốn hơn 2.900 tỷ đồng; mở rộng đường Ung Văn Khiêm và xây nút giao Đài Liệt sỹ (quận Bình Thạnh), vốn gần 3.200 tỷ đồng; hoàn thành cầu Tân Kỳ - Tân Quý (quận Bình Tân)...
Các dự án xây cầu lớn bắc qua sông triển khai theo hình thức PPP cũng được đề xuất ưu tiên đầu tư như cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè qua Cần Giờ, tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng); Thủ Thiêm 4 (nối TP Thủ Đức qua quận 7), đầu tư 5.300 tỷ đồng...
Cùng với các dự án trên, 3 chương trình đầu tư công được Sở Giao thông Vận đăng ký, giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư gồm: đầu tư, sửa chữa các công trình giao thông trên địa bàn; chống sạt lở bờ sông, kênh rạch... Ngoài ra, một số dự án trọng điểm khác cũng được các đơn vị gửi đến Sở Giao thông Vận tải và hiện cơ quan này đã đăng ký để làm các thủ tục.
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án nhằm đảm bảo tiến độ triển khai theo lộ trình những năm tới. Trong hơn 225.000 tỷ đồng khái toán tổng mức đầu tư các dự án nêu trên, vốn ngân sách chiếm khoảng 115.600 tỷ đồng.
Gia Minh