Chứng khiến ông tôi đau đớn với vô số máy móc, dây dợ cắm xung quanh, tôi chỉ muốn chạy đến cầu xin bác sĩ cho ông một liều thuốc an thần mạnh hơn, để ông sớm ra đi, thoát khỏi những đau đớn. Tất nhiên là tôi chẳng thể làm điều đó vì có nói cũng chẳng có bác sĩ nào dám làm. Luật không cho phép họ làm vậy dù đôi khi bản thân họ cũng nghĩ đó là một giải pháp tốt nhất.
Rồi có lúc tôi lại có ý nghĩ tự tay mình rút ống thở cho ông không phải chịu đựng nỗi đau đớn dằn vặt này thêm nữa. Nhưng tôi cũng không dám làm. Nhiều lần như vậy lặp đi lặp lại, và sau tất cả, sự hèn nhát trong tôi vẫn giành chiến thắng. Tôi đành tự lừa dối mình rằng: ông đang sống những ngày đau đớn này để trả hết nợ trần gian trước khi thanh tịnh đi vào cõi vĩnh hằng.
Việt Nam là một trong số đông những quốc gia chưa luật hóa quyền được chết. Những vấn đề về an tử, trợ tử và quyền từng nhiều lần được đưa lên bàn nghị sự nhưng cuối cùng quyền được chết vẫn chưa được vào dự thảo bộ luật dân sự, ngay cả lúc Hiến pháp được thay đổi vào năm 2013 và Bộ Luật Dân sự mới 2015 được thông qua.
>> Tôi dằn vặt vì không đủ tiền điều trị ung thư cho con
Sau hàng chục năm tranh luận, quyền được chết vẫn nằm trên ranh giới mong manh giữa tội lỗi và tính nhân đạo. Quan điểm cho rằng an tử, trợ tử không phù hợp với văn hóa và đạo lý sống của người Việt vẫn chiếm phần nhiều trong xã hội. Còn tôi chỉ biết nắm tay ông và đọc kinh Phật mỗi ngày. Lúc không ở viện với ông, tôi lại ra nghĩa trang, cầu xin cụ (người mà ông tôi hết mực yêu thương và kính trọng) sớm đưa ông đi cùng.
Lúc ông tôi còn khỏe mạnh, chưa từng ốm đau bệnh tật, ông bảo: "Sau này ông ốm thì đừng chữa trị gì cả, cũng đừng mang ông đi viện, chỉ cần cho ông uống thuốc giảm đau thôi". "Cái chết không là gì cả vì khi ta còn sống thì không biết đến cái chết, còn khi chết đi rồi thì không biết gì cả", ông giáo già vẫn hài hước nói với con cháu chúng tôi như vậy.
Vậy mà đến cuối cùng, ông tôi vẫn nằm trên giường bệnh với con tim đập chậm dần. Ý thức về đau đớn có lẽ chỉ mất đi trước khi con tim ông ngừng đập nửa ngày. Đến giờ, trong tôi vẫn còn nguyên suy nghĩ: khi mình sinh ra đã không được lựa chọn, vậy mà đến cả khi mất đi cũng chẳng có quyền tự quyết.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.