Tuần qua, miền Bắc nắng nóng diện rộng, nhiều nơi xảy ra nắng nóng gay gắt (trên 37 độ C). Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia từ 23/5, khu vực này sẽ chịu tác động của một khối không khí lạnh dẫn đến mưa rào, giông, nhiều nơi xảy ra mưa đá.
Bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Đức Giang, cho biết đây là kiểu thời tiết độc hại với tất cả mọi người, dễ sinh bệnh, đặc biệt là cảm cúm, nhiễm lạnh và các bệnh về đường hô hấp do cơ thể không kịp thích nghi. Nắng nóng kéo dài khiến cơ thể suy kiệt, mệt mỏi, phải tỏa nhiệt liên tục. "Khi gặp lạnh hoặc mưa, các mạch máu chưa kịp co dễ dẫn đến mất nhiệt, nhiễm lạnh, thể lực suy giảm nhanh", bác sĩ nói.
Những ngày nắng nóng, cơn mưa có thể làm dịu khí trời, nhưng chính độ ẩm cao trong không khí kết hợp với khí nóng do nước bốc hơi lên từ nền đất cũng gây hại cho sức khỏe. Độ ẩm càng cao thì hơi nước bốc lên càng mạnh, chưa kể trong đất có nhiều vi sinh vật, vi khuẩn phân hủy, tạo mùi hôi thối, gây khó chịu. Những người nhạy cảm với các bệnh hô hấp cũng dễ nhiễm lạnh do thích nghi kém.
Cùng quan điểm, bác sĩ Bùi Đức Ngọt, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bưu Điện, cho rằng khi cơ thể đang dư nhiệt, gặp mưa dẫn đến hệ thống điều nhiệt trục trặc và không thích ứng kịp. Trường hợp nhẹ, cơ thể mệt mỏi, đau nhức, hoặc nặng hơn là huyết áp, đường máu tăng, mắc bệnh hô hấp. Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi đột ngột, hàng rào bảo vệ cơ thể suy giảm, dễ bị vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập hơn.
Ngoài ra, khi trời mưa, các loại chất thải bị cuốn theo như rác sinh hoạt, chất thải của động vật... làm cho nước bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da như nấm, viêm, ghẻ. Triệu chứng ban đầu đơn giản như ngứa, nổi mụn nước hoặc mụn mủ, da mẩn đỏ. Khi vết thương ăn sâu khiến tình trạng da trở nên nặng hơn, sưng, đau, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt.
Theo bác sĩ Ngọt, có ba nhóm cần lưu ý sức khỏe khi thời tiết chuyển mùa, gồm trẻ nhỏ từ hai đến 4 tuổi, do cơ chế điều nhiệt và sức miễn dịch còn yếu. Người già, nhất là người có bệnh nền, các vấn đề tim mạch và hô hấp cũng dễ bị tai biến.
Nhóm thứ ba là những người có cơ địa liên quan đến miễn dịch, như bị các bệnh tự miễn (hen, viêm khớp dạng thấp, dị ứng các mức độ) hoặc người bị suy giảm miễn dịch (mới ốm dậy, dùng thuốc ức chế miễn dịch, HIV-AIDS)
Bác sĩ khuyến cáo sau khi đi mưa, cơ thể không chỉ bị dính, ngấm nước mà còn nguy cơ nhiễm bụi bẩn, vi khuẩn và các yếu tố gây bệnh. Do đó, khi về nhà, mọi người cần vệ sinh và lau khô, làm ấm cơ thể để không bị nhiễm lạnh. Ví dụ, uống nước gừng mật ong, nghỉ ngơi, thay quần áo sạch, không ăn đồ lạnh, không tắm ngay sau khi về nhà.
Giữ gìn vệ sinh, tắm rửa thường xuyên, thay quần áo sạch, đặc biệt là quần áo lót. Vệ sinh môi trường xung quanh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm. Phơi quần áo khô ráo, tránh bị ẩm mốc.
Nếu có dấu hiệu lạnh, hắt hơi, nhức đầu, mệt mỏi, đầy bụng, đi ngoài, sốt nhẹ, bủn rủn chân tay, toát mồ hôi cần liên hệ bác sĩ để xử lý, tránh biến chứng nặng nề hơn.
Ngoài ra, người dân nên ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái. Tăng cường thực phẩm giàu dinh dưỡng, uống nhiều nước, bổ sung vitamin và khoáng chất, các loại rau xanh để có năng lượng. Tập luyện thể thao thường xuyên nâng sức đề kháng, giúp chống chọi thời tiết thất thường.
Minh An