(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng quan điểm VnExpress.)
Khoảng ba tuần qua, cậu con trai lớp hai của tôi bắt đầu làm các bài tập mà cô giáo gửi qua Zalo cho phụ huynh học sinh, các bài tập được cô giáo liệt kê trong tin nhắn hoặc ảnh chụp từ các trang trong sách giáo khoa. Đi theo tin nhắn của cô là một hay vài đường liên kết là link bài giảng các buổi học được các thầy cô hoặc một cá nhân nào đó tự quay và dựng clip tải lên Youtube.
Đây là cách học mà vợ và con tôi vẫn bảo là học trực tuyến. Tôi vẫn thường dạy con giải các câu trong bài tập cô giáo giao, nhưng thực sự tôi đôi khi vẫn lúng túng với một vài câu hỏi trong bài tập của con mặc dù tôi cũng là giáo viên.
Lúc này tôi mới cảm thấy giật mình, bởi vì ngay tại một thành phố lớn như TP HCM nơi được xem là trung tâm kinh tế của cả nước như mà học sinh được tổ chức học tập một cách vô cùng thiếu bài bản và chuyên nghiệp như vậy.
Hơn hai tháng đó là khoảng thời gian dịch Covid-19 đã buộc hơn 24 triệu học sinh và giáo viên các cấp tại Việt Nam, một lực lượng chiếm tới 25% dân số nước ta không được đến trường học tập và giảng dạy, vậy mà thực sự tôi chưa thấy được một động thái đáng kể nào từ phía Bộ Giáo dục.
Lẽ ra với trình độ cộng với hạ tầng công nghệ hiện tại, chúng ta hoàn toàn có thể quay lại các buổi học tương ứng với tiến trình môn học các cấp và phát trên các kênh truyền hình, một website hoặc là một kênh riêng trên Youtube để cho học sinh và phụ huynh có thể vào xem và học tập một cách dễ dàng, bài bản mang tính hệ thống và chính danh.
Và những bài học này sẽ trở thành kho học liệu rất tốt cho các học sinh và giáo viên tham khảo ngay cả khi chúng ta tiến hành đào tạo bình thường. Trong thời đại hiện nay nhân loại đang dịch chuyển mọi thứ lên môi trường không gian mạng từ làm việc, hội họp đến giải trí, mua sắm...
Các doanh nghiệp luôn chạy đua để cải tiến công nghệ giúp cho người dùng dễ dàng sử dụng các tiện ích, ứng dụng thông qua máy tính hoặc điện thoại thông minh, qua đó tiếp nhận ngày càng nhiều hơn các tầng lớp khách hàng trong xã hội. Tôi nghĩ giáo dục không thể mãi ì ạch như cách chúng ta đang làm được, cần phải có những đột phá để phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Giáo dục luôn là tương lai của một dân tộc.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn