Con tôi năm nay 9 tuổi, tôi đã "trả lương" cho cháu từ lúc 7 tuổi với công việc dọn cơm ra bàn ăn và dọn bát sau khi ăn (50 nghìn đồng/ tuần). Lúc con lên 8 tuổi, tôi để cháu phụ dọn và rửa bát. Số tiền 50 nghìn được chia làm 3 phần: 50% bỏ vảo lọ tiết kiệm đầu tư tương lai; 40% bỏ vào lọ cơ động và 10% bỏ vào lọ từ thiện. Các loại tiền mà con được cho hoặc tiền mừng tuổi cũng chia ra như vậy.
Lọ tiền cơ động con được phép dùng để mua những thứ mình thích dưới sự giám sát của bố mẹ. Mỗi khi con muốn mua một món quà gì đó, tôi thường giúp con xem giá tiền món đó là bao nhiêu, rồi con so sánh với mức lương mỗi tuần con nhận được, từ đó giúp con nhận ra rằng món đó đắt hay rẻ, có cần thiết mua không...?
Lọ tiền đầu tư tương lai, sau một thời gian gom lại được một khoản kha khá, tôi gợi ý con đem gửi tiết kiệm. Còn tiền từ thiện dùng khi gặp những người khuyết tật để con chia sẻ giúp đỡ họ (tôi thường ứng tiền cho con, sau đó con lấy trong lọ ra trả lại cho mẹ).
>> 'Dạy con tiêu tiền tốt hơn cấm đoán'
Bên cạnh đó, vấn đề về những thực phẩm bẩn từ hàng quán bán trước các cổng trường học, tôi nhắc nhở con hàng ngày. Thỉnh thoảng, tôi cũng cho con xem những hình ảnh đáng sợ về mấy loại thực phẩm đó để con hiểu rằng không bao giờ nên ăn.
Trong môi trường xã hội phức tạp và đầy rẫy cạm bẫy này, việc dạy con sử dụng tiền hợp lý vô cùng khó khăn. Mong rằng chút chia sẻ này sẽ giúp các bạn áp dụng và thấy hữu ích với con mình.
>> Quan điểm của bạn về việc cho trẻ tiền tiêu vặt thế nào? Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.