Những ngày Tết, người vất vả nhất là chị em phụ nữ, nhưng không phải tất cả chị em phụ nữ đều vất vả vào ngày Tết. Sự vất vả chủ yếu xảy ra ở các chị em phụ nữ làm con và làm dâu ở gia đình có nhiều họ hàng, làng xóm, làm con hoặc làm vợ của chồng là dân bợm nhậu.
Thay vì khách đến chúc Tết chỉ cần ấm trà cái bánh ngồi hàn huyên là vui rồi nhưng các ông bợm nhậu lại thích phải nhậu mới vui làm khổ vợ con, bày lên ít thì mang tiếng mà bày nhiều thì không ăn hết lại phải dọn nhiều.
Ý nghĩa ngày tết là sum họp gia đình. Nhiều người bây giờ sính ngoại nên chỉ thích học phong tục và lối sống của ngoại quốc, những lễ hội du nhập họ hưởng ứng rất nhiệt tình nhưng phong tục tập quán tốt đẹp của ta thì lại ngày càng thờ ơ.
Tôi đang ở tuổi trung niên, chưa già và cũng không còn trẻ. Mỗi năm vào ngày 29 hoặc 30 Tết gia đình tôi đều quây cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, gói bánh... và tôi cảm thấy những ngày này mới thật là vui và ý nghĩa.
Chỉ là Tết nay không như Tết xưa, ngày xưa trông Tết mới có miếng thịt, cái bánh, cái kẹo. Bây giờ thì thích ăn lúc nào cũng có nên không làm đồ ăn nhiều như Tết xưa vì làm nhiều ăn không hết. Người trẻ tuổi có tiền họ muốn những ngày nghỉ đi chơi cho thoải mái, thích sống theo ý mình còn các bậc cha mẹ họ chỉ muốn được sum họp gia đình con cháu vào những ngày Tết.
Cái cần thay đổi không phải là Tết nghỉ ít hay nhiều mà cần thay đổi tư duy chủ yếu của các ông chồng, người cha, người mẹ. Gia đình tôi làm thì tất cả cùng làm, nghỉ ngơi tất cả cùng nghỉ. Không khí Tết rất vui nên ai cũng muốn được nghỉ nhiều, bởi vậy mà vợ tôi làm dâu cứ thích về nhà chồng ăn Tết.
Quốc Việt
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.