Nằm đối diện tòa nhà quốc hội tại thủ đô New Delhi, Hội đồng Nghiên cứu Y tế Ấn Độ (ICMR) được thành lập năm 1911, với nhiệm vụ chính là tập trung vào nghiên cứu. Tuy nhiên, khi Covid-19 bùng phát, chính phủ Ấn Độ giao cho cơ quan này một nhiệm vụ mới mẻ, đó là xử lý một đại dịch đầy dữ dội.
Trong những dịch bệnh trước đây, Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Quốc gia Ấn Độ (NCDC), nơi có nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, đóng vai trò lớn hơn. Do đó, việc ICMR trở nên nổi bật hơn trong quá trình ứng phó Covid-19 khiến một số nhà khoa học thắc mắc. ICMR cũng có đội ngũ chuyên gia về các bệnh như sốt rét, được coi là mối lo ngại y tế cộng đồng lớn nhất tại Ấn Độ, nhưng không có nhiều nhà virus học.
Do đóng vai trò cố vấn y tế chủ chốt cho Thủ tướng Narendra Modi và Bộ Y tế Ấn Độ, ICMR ngày càng hứng nhiều chỉ trích từ các bác sĩ và nhà khoa học độc lập, trong bối cảnh Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 31 triệu ca nhiễm và gần 415.000 người chết.
![Những người nhà của một bệnh nhân Covid-19 tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 21/4. Ảnh: Reuters.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/21/YGRYPKNBX5OM5A3R3XIP2KFFEE-1959-1626866569.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yogrWfqhIfBk0TFS6jl2Gw)
Người nhà của một bệnh nhân Covid-19 tại lò hỏa táng ở New Delhi, Ấn Độ, hôm 21/4. Ảnh: Reuters.
Một trong những vấn đề khiến ICMR bị chỉ trích là các khuyến nghị sử dụng thuốc. Hồi tháng 4/2020, bác sĩ SP Kalantri, người điều hành một bệnh viện 1.000 giường ở làng Sevagram của Ấn Độ, đã viết bài cho tạp chí y khoa quốc tế Lancet để chỉ trích kịch liệt ICMR vì ký vào khuyến nghị sử dụng thuốc sốt rét hydroxychloroquine như một liệu pháp điều trị Covid-19.
Gần một năm sau khi hydroxychloroquine bị Mỹ loại bỏ trong phác đồ điều trị Covid-19, loại thuốc này vẫn nằm trong hướng dẫn của Ấn Độ. Bệnh viện của Kalantri từ chối kê đơn thuốc này, cũng như các biện pháp chữa trị chưa được kiểm chứng khác. Tuy nhiên, những bệnh nhân tuyệt vọng lại đến nơi khác để tìm hydroxychloroquine, ông cho hay.
"Các bác sĩ trên toàn quốc bắt đầu kê đơn thuốc đó, khiến những hãng dược phẩm lớn vui mừng. Cuối cùng, chỉ có bệnh nhân nghèo phải chịu đựng", Kalantri, giáo sư tại Viện Khoa học Y tế Mahatma Gandhi của Sevagram, nêu quan điểm.
Tuy nhiên, Aparna Mukherjee, nhà khoa học cấp cao tại ICMR, giải thích rằng nhiều biện pháp ban đầu có vẻ hứa hẹn và hướng dẫn của ICMR không ngừng được cập nhật khi có các bằng chứng thử nghiệm.
"Việc chỉ trích một quyết định nào đó thật dễ dàng. Tuy nhiên, khi bạn biết loại thuốc này có khả năng hiệu quả, thì không thể chỉ vì thiếu hụt mà nói rằng đừng sử dụng nó", Mukherjee cho hay, thêm rằng ICMR cũng "bị quá tải" trong đại dịch như các cơ quan y tế khác của chính phủ Ấn Độ.
Tuy nhiên, sự chỉ trích nhắm vào ICMR không dừng lại ở đó, mà họ còn bị cáo buộc che giấu dữ liệu về Covid-19 và biến chủng Delta, khiến các bác sĩ và giới chuyên gia mất phương hướng.
Hồi tháng 4, gần 300 nhà khoa học và nhà nghiên cứu y tế Ấn Độ đã kêu gọi Thủ tướng Modi cho phép họ tiếp cận những dữ liệu có thể hữu ích cho việc nghiên cứu, dự đoán và ngăn nCoV lây lan. Theo họ, ICMR có dữ liệu về tất cả những người Ấn Độ từng xét nghiệm nCoV, nhưng lại hạn chế quyền tiếp cận của giới khoa học.
"Không có bất cứ ai bên ngoài chính phủ truy cập được cơ sở dữ liệu của ICMR, có lẽ nhiều người trong chính phủ cũng vậy. Những đại dịch mới có thể mang các đặc điểm khó lường, nhưng việc chúng ta không thể kiểm soát đúng mức tình trạng lây nhiễm còn do dữ liệu dịch tễ không được thu thập có hệ thống và công bố kịp thời cho giới khoa học", các nhà nghiên cứu cho hay.
ICMR từng tiến hành một trong những cuộc khảo sát về huyết thanh toàn diện nhất vào năm ngoái, bao gồm nghiên cứu sự tồn tại của kháng thể nCoV trong các nhóm người khác nhau. Cơ quan này gần đây còn công bố nghiên cứu tỷ lệ tử vong trong làn sóng đại dịch thứ hai đầy chết chóc. Tuy nhiên, các nhà khoa học ngoài chính phủ cho biết họ không thể tiếp cận những dữ liệu này.
Do thiếu thông tin quan trọng về cấu tạo bộ gene của các chủng virus địa phương, cùng dữ liệu xét nghiệm và phản ứng miễn dịch với vaccine, Ấn Độ trở nên mù mờ khi đối mặt với biến chủng Delta, được phát hiện lần đầu ở nước này hồi tháng 10/2020 và hiện lan rộng trên toàn thế giới.
"Dữ liệu chi tiết về khảo sát kháng thể, mức độ nghiêm trọng lâm sàng, nhân khẩu học và nhiều khía cạnh khác chưa được công khai. Nguồn dữ liệu mở sẽ tạo điều kiện giúp mô hình hóa tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn, có thể cứu nhiều mạng người hơn", nhà virus học Shahid Jameel, cựu chủ tịch một ban cố vấn giải trình tự gene Covid-19 cấp bang, giải thích.
Nhà khoa học Mukherjee của ICMR đính chính rằng dữ liệu không bị hạn chế, bất cứ ai đưa ra đề xuất phù hợp đều có thể tiếp cận, nhưng không nói rõ các đề xuất truy cập dữ liệu cần đáp ứng những tiêu chí nào.
Với việc các bang đang nới lỏng hạn chế dù mới chỉ 6% dân số được tiêm chủng đầy đủ, Ấn Độ được cho là đứng trước nguy cơ hứng chịu làn sóng Covid-19 thứ ba. Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt câu hỏi liệu mạng lưới y tế của nước này có được chuẩn bị tốt hơn cho đợt bùng phát tiếp theo hay không.
"Cộng đồng khoa học rõ ràng không yên tâm với cách chính quyền xử lý đại dịch, cũng như sự mơ hồ trong quá trình tham vấn, xây dựng đồng thuận, chia sẻ dữ liệu và ra quyết định", Lalit Kant, cựu lãnh đạo phụ trách dịch tễ học và bệnh truyền nhiễm của ICMR trong 13 năm, cho biết. "Nếu muốn làn sóng thứ ba được xử lý phù hợp, chúng ta cần nắm được những thông tin dựa trên bằng chứng".
![Một người đàn ông mua được thuốc Remdesivir tại thành phố Jaipur, Ấn Độ, hồi tháng 4. Ảnh: Hindustan Times.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/07/21/1x-1-5482-1626866570.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dkf8SuztINOyKKU0V7eLiw)
Một người đàn ông mua được thuốc Remdesivir tại thành phố Jaipur, Ấn Độ, hồi tháng 4. Ảnh: Hindustan Times.
Trên tiền tuyến chống dịch tại Sevagram, bác sĩ Kalantri chủ yếu lo ngại về người nghèo tại các vùng nông thôn, bao gồm nhiều người rơi vào cảnh nợ nần vì mua thuốc. Giá vài loại thuốc nằm trong hướng dẫn y tế, như Remdesivir, đã tăng hơn 10 lần trên chợ đen, tại một quốc gia ít người có bảo hiểm y tế và thu nhập trung bình dưới 160 USD/tháng.
Remdesivir được phê duyệt sử dụng để điều trị Covid-19 tại Mỹ và một số nơi khác, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá chưa có đủ cơ sở khoa học cho phương pháp này, bởi Remdesivir chưa chứng minh được hiệu quả cải thiện khả năng sống sót của bệnh nhân. Nhiều chuyên gia và tổ chức, bao gồm nhóm bảo trợ phi lợi nhuận Mạng lưới Vận động Dược phẩm Toàn Ấn Độ, đã chỉ trích việc nước này tiếp tục ủng hộ sử dụng Remdesivir.
Liệu pháp huyết tương hồi phục cũng nằm trong danh sách hướng dẫn điều trị Covid-19 của Ấn Độ suốt nhiều tháng, dù nghiên cứu của chính ICMR hồi tháng 11/2020 cho thấy rất ít lợi ích từ huyết tương của những người từng nhiễm nCoV. Hồi cuối tháng 6, bản hướng dẫn còn khuyến nghị sử dụng Ivermectin, một loại thuốc chống ký sinh trùng chưa được thử nghiệm hiệu quả chống Covid-19, dù WHO không khuyến khích sử dụng thuốc này từ hồi tháng 3.
"Tôi vô cùng buồn bã và thất vọng", Kalantri đề cập đến ICMR, "đầu não" chiến lược chống Covid-19 của Ấn Độ.
Chandrakant Lahariya, nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế cộng đồng tại New Delhi, đánh giá đại dịch đã cho thấy thất bại của Ấn Độ trong vấn đề cải thiện các cơ quan y tế "yếu kém và không hoạt động tối ưu".
"Thứ cần giải quyết không đơn thuần là phản ứng với Covid-19, mà là cải thiện các tổ chức của Ấn Độ để chuẩn bị cho tương lai. Cơ hội đó dường như đã không còn", Lahariya nhận định.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)