Nằm giữa một quận sầm uất tập trung nhiều khách sạn và nhà ga xe lửa New Delhi, khu ổ chuột Paharganj của thủ đô Ấn Độ trông không giống một điểm nóng Covid-19. Những người nhặt rác đi lang thang qua các dãy nhà ọp ẹp, trẻ em đi chân đất chơi đùa trên đường phố và mọi người nói chuyện thoải mái đến tận khuya. Không ai đeo khẩu trang.
Cảnh tượng này chỉ mới diễn ra gần đây, khi Ấn Độ vừa trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai thảm khốc. Hồi tháng 5, khi New Delhi ghi nhận trên 25.000 ca nhiễm và 500 ca tử vong gần như mỗi ngày, Paharganj cũng phải tìm mọi cách để ngăn chặn Covid-19 xâm nhập.
Jeevan Kumar, một lao động 46 tuổi đến từ bang Bihar, nằm trong lực lượng bảo vệ khu phố. "Chúng tôi làm việc theo ca và tuần tra khu vực nhằm đảm bảo rằng không người ngoài nào có thể mang virus vào khu chúng tôi sống. Lũ trẻ sẽ đi đến từng nhà yêu cầu mọi người đeo khẩu trang. Với những nỗ lực đó, chúng tôi đã bảo vệ được khu ổ chuột của mình khỏi một thảm họa lớn", Kumar cho hay.
Khi ca nhiễm có xu hướng giảm ở Ấn Độ cũng là lúc người dân bắt đầu lơ là các biện pháp phòng dịch. Ngày 15/7, Ấn Độ ghi nhận gần 42.000 ca nhiễm mới, giảm đáng kể so với mức khoảng 400.000 ca mỗi ngày trong giai đoạn đỉnh của sóng Covid-19 thứ hai.
"Mọi người đã mất kiên nhẫn và mạo hiểm ra khỏi nhà mà không đeo khẩu trang. Nếu cần chọn một thời điểm để tiến hành tiêm phòng cho các khu ổ chuột và những điểm nóng tiềm tàng khác thì chính là lúc này", Kumar nói.
Nhưng ở Paharganj, người dân không biết ai đã được tiêm vaccine.
Khi Ấn Độ khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới của mình, Bộ trưởng Y tế Rajesh Bhusan hứa rằng "mọi người dân muốn tiêm đều sẽ có vaccine", nhắm mục tiêu tiêm chủng cho hầu hết dân số trưởng thành vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, chiến dịch đã vấp phải không ít thách thức, bao gồm tình trạng thiếu vaccine và những trở ngại về hậu cần. Đến nay, mới chỉ 8% người trưởng thành ở Ấn Độ được tiêm chủng. Tuần trước, chỉ 4 triệu liều được tiêm mỗi ngày, so với mức hơn 9 triệu liều trong giai đoạn chiến dịch mới bắt đầu.
Để được tiêm chủng, người dân phải đăng ký trên cổng thông tin trực tuyến CoWin của chính phủ, sau đó mới nhận mã qua điện thoại di động.
Điều này là bất khả thi với không ít người dân ở một đất nước mà tỷ lệ tiếp cận Internet chỉ xấp xỉ 45%, nghĩa là chỉ có khoảng 624 triệu người dùng Internet trên 1,39 tỷ dân, theo DataReportal. Gần 550 triệu người vẫn sử dụng những chiếc điện thoại đời cũ không thể kết nối với cổng thông tin CoWin.
Thực tế này có thể được nhìn thấy rõ nhất ở những khu ổ chuột, nơi đa phần người dân không sở hữu điện thoại di động.
"Nếu chính phủ nói rằng tất cả mọi người nên tiêm vaccine, vậy tại sao chúng tôi lại bị gạt sang một bên", Kumar đặt câu hỏi. "Chúng tôi không muốn chết hay nhiễm bệnh. Tất cả người dân đất nước này đều có quyền sống, vậy tại sao vẫn có những rào cản công nghệ ngăn chúng tôi tiếp nhận vaccine?".
Tòa án Tối cao Ấn Độ đã lên tiếng ủng hộ những người như Kumar, chỉ trích chính sách tiêm chủng của chính phủ. Các thẩm phán cho rằng chính phủ sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân nếu chỉ dựa vào một cổng kỹ thuật số duy nhất để triển khai chương trình vaccine.
Jan Pahal, một tổ chức phi chính phủ ở New Delhi, đang cố gắng thu hẹp khoảng cách về công nghệ này. Với đội ngũ khoảng 100 tình nguyện viên và các lãnh đạo cộng đồng, họ hỗ trợ người lao động nhập cư, người bán hàng rong và vô gia cư trên khắp thủ đô Ấn Độ.
"Các tình nguyện viên của chúng tôi sẽ giúp đỡ những người không biết đăng ký tiêm vaccine trực tuyến như thế nào hay đơn giản là người không có điện thoại di động. Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ thay mặt họ đăng ký và nhận chỗ", Dharmedra Kumar, thư ký của Jan Pahal, cho biết.
Nhưng tại đất nước mà nhiều người thậm chí còn không có cả giấy tờ tùy thân như Ấn Độ, quy trình tiêm chủng vốn đã phức tạp lại càng trở nên khó khăn hơn.
"Tổ chức của chúng tôi thành lập 10 điểm lưu trú ban đêm ở Delhi và một số người tìm đến chúng tôi không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào. Thiếu chúng, họ sẽ không thể đi tiêm phòng nhưng bằng cách này hay cách khác, chúng tôi vẫn yêu cầu được cơ quan chức năng cấp vaccine cho họ".
Nhưng các tổ chức phi chính phủ như Jan Pahal phải thừa nhận đây là tất cả những gì họ có thể làm. "Chúng tôi cố gắng tiếp cận với nhiều người khó khăn nhất có thể. Nhưng với nguồn lực và phạm vi hạn chế, các tổ chức phi chính phủ không thể thay thế nhà nước", Dharmedra Kumar cho hay.
Trong khi đó, tâm lý do dự tiêm vaccine cũng đang cản trở việc triển khai tiêm chủng. Nhiều nhân viên y tế đã phàn nàn về việc gặp phải sự kháng cự gay gắt từ người dân khi đi vận động tiêm vaccine, nhất là ở những vùng nông thôn. Nhân viên y tế Sarita Kumari kể rằng cô và đội của mình từng bị ngăn thiết lập điểm tiêm chủng và bị cả một ngôi làng quay lưng.
"Phụ nữ là những người lưỡng lự nhất. Khi chúng tôi tiếp cận họ, họ viện lý do hay đơn giản chỉ khóa mình trong nhà", Sarita cho biết.
Những đồn đại về việc tiêm vaccine có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt và giảm khả năng sinh sản đã góp phần gây ra nỗi sợ hãi ở phụ nữ Ấn Độ, khiến tỷ lệ tiêm phòng nghiêng về phía nam giới. Tại hầu hết các bang của Ấn Độ, số lượng đàn ông được tiêm vaccine thường lớn hơn phụ nữ và khoảng cách này đang nới rộng ra mỗi ngày.
Dập tắt những đồn đại và thuyết âm mưu như vậy là một nhiệm vụ khó khăn đối với giới chức y tế Ấn Độ.
"Chúng ta phải thuyết phục dân chúng, gõ cửa từng nhà và thuyết phục phụ nữ ngừng do dự. Tất cả mọi người, từ chính phủ đến xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ cần cùng chung tay", bác sĩ phụ khoa đã nghỉ hưu Vidya Lakshmi nói.
Nhưng khi Dharmedra Kumar yêu cầu một trại tạm trú do tổ chức phi chính phủ điều hành tuyên truyền nhận thức về vaccine, "chính những người ở đó cũng do dự", cho thấy thách thức to lớn mà chính phủ Ấn Độ phải đối mặt với chiến dịch tiêm chủng của mình.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)