Một nghiên cứu được đăng trên Thư viện quốc gia Mỹ (NCBI) mới đây cho thấy khoảng 60% bệnh nhân Covid-19 sau 6 tháng khỏi bệnh vẫn bị đau cơ, đau khớp khắp cơ thể hoặc đau khớp cục bộ ở đầu gối, bàn chân, mắt cá chân và vai. Một số cuộc khảo sát khác cũng chỉ ra khoảng 4,6% đến 12% người vẫn còn biểu hiện đau khớp trong suốt năm đầu tiên sau mắc Covid-19.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Lão khoa Cơ xương khớp, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nguyên nhân sau khỏi Covid bị đau khớp dai dẳng, trước tiên là do sự tăng sinh quá mức angiotensin II do nhiễm nCoV. Sự gia tăng thụ thể angiotensin II trực tiếp kích thích tạo thành ROS (gốc tự do) trong bạch cầu và hoạt hóa các tế bào lympho sản xuất ra nhiều chất gây viêm (cytokine) và chemokine, gây ra cơn bão cytokine. Bão cytokine khiến phản ứng viêm lan rộng toàn thân, vừa làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp (điển hình như viêm khớp do virus, viêm khớp phản ứng, viêm khớp dạng thấp), vừa khiến người bệnh viêm khớp khó phục hồi sau nhiễm nCoV.
Hơn nữa, virus khi xâm nhập vào cơ thể còn gây rối loạn chức năng nội mô thông qua thụ thể men chuyển ACE2, làm giảm sản xuất oxit nitric (NO). Giảm NO kéo theo sự suy giảm khả năng giãn của động mạch, dẫn đến tăng huyết áp và giảm lưu lượng máu đến sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch.
Phản ứng viêm và rối loạn nội mô do nhiễm nCoV khiến xương khớp bị tổn thương, khởi phát hoặc tăng nặng thoái hóa khớp. Đây cũng có thể là lý giải một phần vì sao khỏi Covid bị đau khớp dai dẳng.
Ngoài ra, phản ứng miễn dịch quá mức dưới sự tác động của nCoV có thể làm ảnh hưởng đến các thụ thể cảm giác của hệ thần kinh. Khi các thụ thể cảm giác này bị thương tổn, trở nên nhạy cảm hơn sẽ khiến cơ thể cảm nhận cơn đau ở khớp dữ dội và kéo dài hơn bình thường, bác sĩ Vân cho biết thêm.
Theo bác sĩ Vân, để cơn đau khớp hậu Covid-19 nhanh chấm dứt, cần chú ý nâng cao sức khỏe tổng thể thông qua chế độ dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu tối đa các di chứng. Trong đó, đối với chế độ dinh dưỡng, nên xây dựng khẩu phần ăn với đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt tăng cường rau xanh, trái cây và hải sản chứa nhiều vi chất như cá, tôm, cua, ngao... Cơ thể mới hồi phục, chưa thể hấp thu cùng lúc nhiều dưỡng chất, nên chia nhỏ thực đơn thành 3-5 bữa nhỏ trong ngày.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tập thể dục thể thao với các bộ môn vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe chậm, tập dưỡng sinh, yoga... Việc tập luyện nên được thực hiện trong khoảng 30 phút mỗi ngày và duy trì thói đều đặn mỗi ngày. Lưu ý tập luyện vừa phải, không lười biếng nhưng cũng không quá gắng sức. Trường hợp tập luyện có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, tim đập nhanh, chóng mặt... thì cần tạm ngưng để theo dõi sức khỏe.
Những người từng là F0 cũng nên chú trọng đến đời sống tinh thần, giấc ngủ và quản lý tốt vấn đề căng thẳng bằng các hoạt động tích cực, mang tính thư giãn như nghe nhạc, đọc sách, trò chuyện cùng người thân và bạn bè. Hạn chế theo dõi những tin tức tiêu cực khiến tinh thần trì trệ, cản trở quá trình phục hồi của cơ thể và làm tăng nặng phản ứng viêm tại khớp.
Người có tiền sử đau khớp, bị đau khớp kéo dài hậu Covid-19, có thể bổ sung các tinh chất chuyên biệt có khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ khớp chắc khỏe, như eggshell membrane, turmeric root giúp điều hòa miễn dịch, giảm sản sinh cytokine gây viêm; collagen peptide giúp tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn; collagen type 2 không biến tính giúp giảm đau, tăng khả năng vận động cho khớp...
Điều trị bệnh khớp nói chung và đau nhức xương khớp hậu Covid-19 nói riêng cần một phác đồ y khoa tổng thể. Do đó, khi có dấu hiệu đau bất thường, người bệnh nên thăm khám tại các chuyên khoa xương khớp uy tín để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp và an toàn. Không nên tự ý dùng thuốc theo lời truyền miệng hoặc thông tin chia sẻ thiếu căn cứ, bác sĩ Vân khuyến cáo.
Hường Nguyễn