Nếu trước đó người bệnh đã có tiền sử đau nhức cơ xương khớp, thì trong và sau khi mắc Covid-19, mức độ đau sẽ gia tăng.
Những vị trí đau nhức phổ biến là vai và lưng, kèm cảm giác như kim châm và yếu ở tay hoặc chân. Các vấn đề về khớp và cơ có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Những người đã từng nằm viện dễ gặp các vấn đề nghiêm trọng ở vai và cánh tay (vừa đau, cứng, tê ở cánh tay và yếu một số cơ).
Để giảm đau nhức cơ thể, nên cố gắng quay trở lại các hoạt động thường ngày của mình, ví dụ: tự vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa, làm vườn, tập thể dục, tập yoga... Ban đầu vận động có thể hơi khó khăn, nên làm vừa sức và tăng dần mỗi ngày, nghỉ ngơi khi có dấu hiệu mệt mỏi và khó thở.
Xoa bóp, bấm huyệt cũng là một biện pháp cải thiện đau nhức cơ khớp sau nhiễm Covid-19 hiệu quả. Xoa bóp sẽ làm mềm, tăng độ đàn hồi của cơ thông qua việc tăng nhiệt độ các mô, khiến máu lưu thông tốt hơn, mô được thư giãn.
Xoa bóp, bấm huyệt còn tạo cảm giác được chăm sóc và thoải mái cho người bệnh. Trong quá trình thực hiện, cơ thể được kích thích tạo ra hormone "hạnh phúc" là serotonin và dopamine, mang lại cảm giác bình tĩnh và giúp người bệnh cảm thấy có động lực để thực hiện các hành động hướng tới mục tiêu mong muốn. Tuy nhiên, cách trị liệu này cần được thực hiện bởi nhân viên y tế, tùy tình hình bệnh mà thầy thuốc hướng dẫn người bệnh các bài tự xoa bóp thêm.
Không phải do Covid-19, đau nhức cơ thể cũng là một triệu chứng phổ biến của nhiều vấn đề sức khỏe khác, gồm nhiễm trùng, chấn thương, phản ứng với chất kích ứng hóa học, căng cơ, các bệnh lý về cơ xương khớp... Ngồi sai tư thế, tập thể dục cường độ cao hoặc lặp đi lặp lại các động tác nhất định... đều có thể dẫn đến đau nhức cơ thể ở một số vùng.
Do đó, nếu bạn cảm thấy khớp và cơ đang trở nên xấu hơn; không thể hoạt động hoặc tập thể dục vì mệt mỏi hoặc khó thở; xuất hiện các triệu chứng mới như bị kim châm, tay/chân yếu hơn hoặc có vấn đề với khả năng giữ thăng bằng; đau nhức cơ thể dai dẳng... mà sau ba tháng chúng vẫn chưa được cải thiện thì cần đến các cơ sở y tế khám, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Trường hợp bị nóng, đỏ, sưng khớp, có thể là khớp bị nhiễm trùng, bạn cần điều trị ngay.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ
Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3