Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết viêm não và viêm màng não cùng thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng ở hệ thần kinh trung ương. Virus và vi khuẩn là những tác nhân chủ yếu gây ra bệnh lý não - màng não. Trong đó, viêm não là tác nhân tấn công trực tiếp vào nhu mô não; còn viêm màng não là tác nhân tấn công vào màng bao bọc não và tuỷ sống.
Trong đó, viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh do nhiều tác nhân khác nhau, gồm vi nấm hoặc virus và vi khuẩn. Đa số các ca viêm màng não là do nhiễm vi khuẩn Hemophilus influenza týp B (Hib), phế cầu và não mô cầu. Chúng được xem là "gánh nặng toàn cầu".
Viêm não là tình trạng viêm ở nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần. Nguyên nhân thường gặp nhất của viêm não là nhiễm virus, số ít do vi khuẩn. Viêm não được đánh giá có mức độ di chứng thần kinh nặng nề hơn viêm màng não.
Bệnh lý não - màng não có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em, vì hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện. Viêm màng não gặp nhiều nhất ở trẻ dưới ba tuổi, viêm não gặp ở trẻ trên 5 tuổi nhiều hơn.
Hai bệnh này có triệu chứng chung là sốt trên 38 độ C, buồn nôn, nôn ói và đau đầu từ ngày đầu nhiễm bệnh. Trẻ thường chán ăn, bỏ bú, quấy khóc. Đặc biệt, các cơn sốt kéo dài liên tục, khó hạ. Trẻ dù uống hạ sốt nhưng sau 5-6 tiếng thuốc hết tác dụng, trẻ sốt lại.
"Nhiệt độ cơ thể càng cao, nguy cơ biến chứng càng nặng", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Đến ngày thứ hai, trẻ có dấu hiệu chậm chạp, lờ đờ, ngủ nhiều. Bệnh nhi viêm não sẽ nhanh tiến triển nặng. Trẻ rối loạn ý thức sớm, có thể li bì, lơ mơ ngay từ cuối ngày thứ nhất. Dấu hiệu riêng của bệnh nhi viêm màng não là trẻ khá tỉnh táo, nhưng nôn khan hoặc nôn ra nước cùng thức ăn liên tục, ồng ộc. Triệu chứng nôn này hoàn toàn không liên quan đến rối loạn tiêu hóa hay ăn uống.
Bác sĩ lưu ý phụ huynh, ngay ngày đầu tiên thấy con có những dấu hiệu trên, bắt buộc phải đưa đến bệnh viện để được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.
Theo bác sĩ Hải, viêm não Nhật Bản lưu hành phổ biến nhất trong số các bệnh viêm não tại Việt Nam. Trâu, bò và lợn là ổ chứa virus. Bệnh lây truyền từ gia súc sang người qua đường trung gian muỗi đốt. Trước đây, hàng năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 500 đến 600 trẻ viêm não, một nửa số trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm sâu, còn khoảng 30-50 ca viêm não Nhật Bản mỗi năm.
Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vẫn có đến 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản tử vong. Và 50% trong số bệnh nhân sống sót bị di chứng nghiêm trọng, như động kinh, chậm phát triển vận động, bại liệt, rối loạn ngôn ngữ.
Đối với các bệnh viêm màng não do virus, trẻ ít gặp di chứng hơn. Thông thường trẻ sốt, nôn, đau đầu, điều trị 5-7 ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, nếu mắc viêm màng não do não mô cầu, gây ra bởi vi khuẩn Neisseria meningitidis, nguy cơ tử vong rất lớn do bệnh diễn tiến nhanh. Viêm màng não mô cầu dễ lây lan qua đường hô hấp, khi người mang vi khuẩn hắt hơi, ho. Có khoảng 100 người mắc bệnh mỗi năm. Một nửa bệnh nhân sẽ tử vong trong vòng 24 giờ, nếu không được điều trị kịp thời. Biến chứng của viêm màng não có thể là bại liệt, phải đoạn tay chân do hoại tử, điếc, chậm phát triển trí não.
Nghệ An và Hà Tĩnh đang là hai địa phương ghi nhận hàng trăm ca viêm não và viêm màng não, nhiều nhất cả nước. Hầu hết các bệnh nhân ở mức độ nhẹ, hồi phục tốt. Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay ghi nhận 130 ca viêm màng não ở nhiều lứa tuổi, chủ yếu ở mức độ nhẹ, không có dấu hiệu dịch tễ và lây lan.
Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận trung bình 130 trẻ viêm màng não đến khám mỗi ngày, 20-30 trẻ phải nhập viện. Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, cũng đang điều trị khoảng 10 ca viêm màng não. Có gia đình 5 người cùng mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP HCM cho hay, thời tiết nắng nóng hay lúc chuyển mùa như hiện nay dễ khiến trẻ mắc viêm não, viêm màng não. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi từ sớm. Tuy nhiên, sai lầm của nhiều phụ huynh là đưa con đi khám muộn, cộng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh "vô tội vạ" khiến bệnh tình ngày một phức tạp hơn.
Hành động tự điều trị cho con không chỉ gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn khiến biểu hiện bệnh ban đầu bị che khuất, hay có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác.
Các bác sĩ đồng khẳng định, biện pháp phòng ngừa bệnh viêm não, viêm màng não tốt nhất là tiêm phòng vaccine. Hiện, Việt Nam lưu hành rất nhiều loại vaccine như viêm não Nhật Bản, viêm màng não mô cầu, phế cầu... Phụ huynh cần đưa con đi tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi để đạt hiệu quả. Ngoài ra, duy trì việc rửa tay, ăn chín uống sôi sẽ góp phần phòng ngừa được virus, vi khuẩn lây lan qua đường tiêu hóa, đặc biệt ở trẻ lứa tuổi mẫu giáo.
Thư Anh