Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP HCM cho biết, viêm màng não mô cầu (hay viêm màng não do não mô cầu) là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, thuộc nhóm viêm màng não, màng bao bọc não và tuỷ sống, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra.
Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện quanh năm và rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông xuân. Ai cũng có thể mắc viêm màng não mô cầu, trong đó nguy cơ nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, người 14 đến 20 tuổi, người già và người bị suy giảm miễn dịch. Trung bình mỗi năm có khoảng 100 người mắc bệnh.
"100 là con số không nhiều, nhưng có đến một nửa người mắc viêm màng não mô cầu sẽ chết trong vòng 24 giờ, nếu không được can thiệp kịp thời", bác sĩ Nghĩa nhấn mạnh.
Dù được điều trị, 8-15% bệnh nhân vẫn tử vong vì biến chứng quá nặng. Trong số những người còn sống, 20% chịu hậu quả nặng nề, hoặc vĩnh viễn như bại liệt, phải đoạn tay chân do hoại tử, điếc, chậm phát triển trí não...
Theo bác sĩ Nghĩa, có nhiều lý do khiến viêm màng não mô cầu trở thành "bệnh tử". Đó là khoảng 5 đến 20% dân số Việt Nam mang trùng (mầm bệnh), nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài. Vi khuẩn khu trú ở vùng hầu họng, sau đó chúng vượt khỏi hàng rào miễn dịch, tấn công người bệnh, hoặc lây sang người lành. Vi khuẩn này dễ dàng lây trực tiếp từ người sang người, thông qua dịch tiết, giọt bắn khi tiếp xúc gần và lâu với người bệnh, lúc hôn, hắt hơi, ho.
Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được thời điểm chúng sẽ tấn công cơ thể vật chủ.
Đồng thời, triệu chứng bệnh xuất hiện đột ngột, ban đầu giống như cúm, nhiễm siêu vi nên phụ huynh, thậm chí nhiều các bác sĩ khó chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn sớm. Nếu trẻ sốt bình thường, uống thuốc hạ sốt là bé ổn, chơi được. Nếu là viêm màng não mô cầu thì trẻ sốt dai dẳng.
Đặc biệt, bệnh diễn tiến nhanh trong 24 giờ, kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Buổi sáng có thể trẻ rời nhà đi học với tình trạng bình thường. 8 giờ đầu, trẻ sẽ sốt, cáu gắt, buồn nôn, chán ăn. 8 tiếng tiếp theo, trẻ xuất hiện các nốt ban (xuất huyết) màu đỏ, tập trung ở các vùng da non như bẹn, đùi, kèm cứng cổ, sợ ánh sáng.
8 tiếng sau, các vết ban sẽ lan khắp cơ thể. Không chỉ viêm màng não, trẻ còn bị nhiễm trùng máu. Từ màu đỏ, ban chuyển sang thâm đen, quá trình hoại tử tiến triển mạnh. Lúc này, trẻ sẽ rơi vào hôn mê, mê sảng, co giật, mất ý thức, có thể tử vong. Trong khi đó, thời gian trung bình bệnh nhân được nhập viện là sau 19 giờ.
"Chúng tôi thậm chí không đủ thời gian để hội chẩn, lên phương án điều trị cho bệnh nhân", bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết thêm.
Gánh nặng bệnh viêm màng não mô cầu mang lại cũng được các bác sĩ đánh giá là nghiêm trọng, với cả bệnh nhân và gia đình họ. Ở Anh, 38% gia đình có người mắc bệnh đã bị rối loạn căng thẳng sau sang chấn. 43% bà mẹ có nguy cơ rối loạn tâm thần sau khi chăm sóc con trong thời gian ba tháng hậu xuất viện. Ở Việt Nam, chi phí chăm sóc bệnh nhân viêm màng não chiếm 83% tổng chi tiêu của cả gia đình.
Theo bác sĩ Hải, mỗi năm thế giới có 1,2 triệu người mắc viêm não mô cầu, 135.000 ca tử vong. Ở nước ta, các đợt dịch xuất hiện lẻ tẻ. Năm 1977, TP HCM bùng phát đợt dịch lớn, với 1.015 ca mắc. Tết nguyên đán 2012, viêm màng não mô cầu lan ra 8 quận, huyện ở TP HCM với 12 ca mắc. Tháng 2/2016, khi một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương tử vong vì viêm màng não mô cầu, 50 người tiếp xúc gần đã phải cách ly, giám sát y tế chặt chẽ...
"Tiêm vaccine, tạo kháng thể chủ động là biện pháp phòng chống bệnh tốt nhất. Vaccine có hiệu quả bảo vệ đến 90%", bác sĩ Nghĩa khẳng định.
Hiện, các nhà khoa học đã tìm được 12 nhóm huyết thanh của vi khuẩn Neisseria meningitidis. Có 6 nhóm (A, B, C, W, X, Y) thường gặp và dễ gây dịch đã có vaccine phòng ngừa. Các loại vaccine viêm màng não mô cầu phổ biến, gồm loại hai thành phần nhóm huyết thanh B&C Polysaccharide. Vaccine này sẽ tiêm hai mũi, bắt đầu khi trẻ 6 tháng tuổi. Hai mũi cách nhau tối thiểu 6-8 tuần.
Sản phẩm khác là vaccine cộng hợp bốn nhóm huyết thanh A,C, Y, W, dùng cho người từ 9 tháng tuổi đến 55 tuổi. Riêng trẻ 9 đến 23 tháng tuổi sẽ tiêm hai liều, cách nhau 3 tháng. Người từ hai đến 55 tuổi chỉ cần tiêm một liều duy nhất.
Các bác sĩ nhắc lại nhiều lần rằng dù tiêm vaccine nào, quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng đúng lịch và đầy đủ các mũi.
Thư Anh