Con của người mẹ này, 9 tháng tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Cậu bé là con út, có 4 chị gái và sẽ là trưởng họ trong tương lai. Một tuần nằm viện, bé thoát chết, nhưng chỉ nằm im một chỗ.
Nghe bác sĩ thông báo con trai sẽ không thể hồi phục như trẻ bình thường vì di chứng "chậm phát triển nhận thức hậu viêm não Nhật Bản", người mẹ sốc nặng. Chị trèo lên lan can phòng bệnh của con, định tự vẫn song được ngăn cản kịp thời.
Câu chuyện xảy ra 5 hôm trước, được bác sĩ Đỗ Thiện Hải, trưởng khoa Nội Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương kể tại tọa đàm Viêm não Nhật Bản và Viêm màng não mô cầu, ngày 15/4.
Bác sĩ Hải cho biết viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não, gây ra do virus viêm não Nhật Bản. Trâu, bò và lợn là ổ chứa virus. Bệnh lây truyền từ gia súc sang người qua đường trung gian muỗi đốt. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, thường gặp hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh lưu hành quanh năm, đỉnh dịch là mùa hè, từ tháng 4 đến tháng 8.
Trước đây, hàng năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng 500 đến 600 trẻ viêm não, trong đó, quá một nửa là trẻ mắc viêm não Nhật Bản. Đến nay, nhờ hiệu quả của tiêm chủng, tỷ lệ này giảm sâu, còn khoảng 30-50 ca viêm não Nhật Bản mỗi năm.
Triệu chứng đặc trưng của bệnh là sốt cao 38-39 độ C, đau đầu, nôn ói. Cùng với đó, trẻ có những dấu hiệu của tổn thương thần kinh trung ương, như mê sảng, co giật, tăng trương lực cơ, rối loạn thần kinh thực vật (da xám, vã mồ hôi, mạch nhanh)...
Hiện, viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ tập trung điều trị giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng. Trung bình, viện phí cho một ca điều trị viêm não Nhật Bản tại Bệnh viện Nhi Trung ương khoảng 29 triệu đồng.
Đến 30% bệnh nhân sẽ tử vong. Trong số người may mắn còn sống, 50% sẽ bị di chứng tàn tật nghiêm trọng, bao gồm sống thực vật, liệt một phần cơ thể, rối loạn ngôn ngữ, vận động, hoặc co giật, động kinh bất thường. Các trường hợp còn lại không có di chứng, hoặc di chứng nhẹ hơn, như gặp khó khăn trong học tập, ứng xử.
"Gánh nặng do viêm não Nhật Bản mang đến khó có thể đo bằng kinh tế, nó còn là sự căng thẳng tâm lý tột cùng cho phụ huynh, nhất là người mẹ có con mắc bệnh", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Bác sĩ Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP HCM, chia sẻ, nhiều năm trước có bác sĩ nhi bất lực trước những ca di chứng nên đặt câu hỏi: "Có nên chữa cho các trường hợp tương tự hay không?". Có nhiều di chứng không thể hiện ngay trong quá trình bệnh nhân điều trị. Chúng diễn ra âm thầm, nên dù khỏi bệnh, khi lớn lên trẻ sẽ chậm nói, tật ở mắt, khiếm khuyết chân tay...
Các bác sĩ khẳng định tiêm vaccine là biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất để ngăn ngừa 90% nguy cơ mắc bệnh này. Bộ Y tế đã đưa vaccine viêm não Nhật Bản vào Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Theo ghi nhận, các ca viêm não chủ yếu do không tiêm chủng, hoặc tiêm không đủ liều nhắc lại.
Việt Nam đang lưu hành nhiều loại vaccine phòng ngừa viêm não Nhật Bản. Trong đó, một loại là vaccine kinh điển, dạng bất hoạt được điều chế từ não chuột, trẻ cần tiêm ba mũi cơ bản và nhắc lại 4 mũi khác, từ một đến 15 tuổi. Sản phẩm khác là vaccine sống giảm độc lực, tái tổ hợp. Loại này với trẻ từ 9 tháng đến 18 tuổi cần tiêm hai lần, các lần cách nhau một năm. Riêng người trên 18 tuổi, chỉ cần tiêm một liều duy nhất.
"Vaccine có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn như dị ứng, sốc sau tiêm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát được. Lợi ích của vaccine luôn lớn hơn nguy cơ", bác sĩ Hải nhấn mạnh.
Thư Anh