Vào thời gian cao điểm của đợt tiêm chủng Covid-19, hội trường nhà thi đấu bóng rổ lớn nhất Jerusalem chật kín người. Tất cả đều hồi hộp chờ đợi 2 giờ đến khi tên mình được gọi. Hồi tháng 1, địa điểm này có hơn 3.000 người tiêm vaccine mỗi ngày.
Đến đầu tháng 4, khoảng 15 người đến đây tiêm mỗi buổi. Một số gần như không phải ngồi xuống chờ đợi. Shani Luvaton, y tá trưởng tại điểm tiêm phòng, cho biết: "Họ chỉ phải đợi khoảng 10 giây để được gọi tên".
Các trung tâm khác sử dụng một nửa số quầy tiêm chủng, đón vài trăm người mỗi ngày. Trong nhóm dân số trưởng thành, chỉ khoảng 1 triệu người còn do dự với vaccine là chưa tiêm chủng. "Tất cả những ai muốn tiêm đều đã đến hết rồi", Luvaton nói.
Israel, quốc gia tiêm chủng nhanh nhất thế giới, có thể bước tới viễn cảnh mà những nước khác sẽ mất nhiều tháng hoặc nhiều năm mới đạt được: thoát khỏi đại dịch.
Đất nước 9 triệu người đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho hơn một nửa dân số. Tỷ lệ lây nhiễm liên tục giảm xuống. Cuộc sống gần như trở lại bình thường.
Hồi tháng 1, trong đợt bùng phát thứ ba dữ dội nhất, đất nước ghi nhận 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Giờ đây, lượng bệnh nhân nằm viện thấp hơn 10.000 người. Eran Segal, nhà sinh vật học tại Viện Weizmann của Israel, cho biết tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Israel đã giảm hơn 90% kể từ đỉnh dịch tháng 1.
Ông so sánh đợt bùng phát thứ hai vào năm ngoái, trước khi có vaccine và đợt bùng phát thứ ba vào năm nay, khi quốc gia đang tiêm chủng. Sau phong tỏa lần hai, tỷ lệ lây nhiễm của Israel sớm tăng lên và không có dấu hiệu giảm cho đến khi chính phủ siết thêm hạn chế. Nhưng đến làn sóng thứ ba, "vaccine đã phát huy tác dụng", ông nói. Tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, dù các hoạt động kinh tế đã nối lại.
Người có "thẻ xanh" chứng nhận tiêm vaccine được phép vào phòng gym, khách sạn, nhà hát, các buổi hòa nhạc. Tại thành phố cảng Tel Aviv, các bãi biển chật kín người trong kỳ nghỉ lễ. Mặt trời lặn, họ đến quán bar và nhà hàng. Nhiều cửa hiệu, quán ăn quét mã QR của "thẻ xanh" điện tử để xác nhận khách hàng đã tiêm chủng. Một số quán bar mặc định tất cả khách đã sử dụng vaccine.
Chiến lược "thẻ xanh" giúp thúc đẩy người Israel tiêm chủng, được các nước như Anh học hỏi áp dụng. Tại nhà thi đấu Jerusalem, Avishag Buskila, 26 tuổi, cho biết đây là lý do cuối cùng khiến cô quyết định tiêm vaccine.
"Cha mẹ tôi bất đồng quan điểm. Cha tôi tiêm phòng cách đây ba tháng, nhưng mẹ tôi muốn chờ xem", cô nói.
Buskila ban đầu cũng muốn chờ đợi, nhưng trường luật của cô sẽ mở cửa trở lại vào tuần sau và chỉ các sinh viên có "thẻ xanh" mới được nhập học. Cô không muốn bỏ lỡ các bài giảng đầu tiên sau thời gian dài.
"Không tiêm phòng, tôi không thể đi học lại. Tôi thấy tiếc vì không làm điều này sớm hơn", cô cho biết.
Nếu thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine an toàn với người dưới 16 tuổi, Israel dự kiến bắt đầu tiêm chủng cho nhóm nhân khẩu này ngay lập tức. Tuy nhiên, điều này không quá cấp thiết vì phần lớn người cao tuổi, có nguy cơ chuyển nặng khi mắc Covid-19 đã được chủng ngừa.
Dấu hiệu duy nhất cho thấy Israel vẫn trong thời kỳ đại dịch là những chiếc khẩu trang. Song gần đây, nhiều người đã ngừng đeo chúng. Sharon Alroy-Preis, người đứng đầu bộ phận y tế công cộng nước này, cho biết chính phủ đang xem xét bỏ quy định đeo khẩu trang nơi công cộng.
Bộ Y tế vẫn lo ngại biến thể nCoV làm giảm hiệu quả của vaccine. Vì thế, Israel áp đặt hạn chế chặt chẽ với khách du lịch quốc tế.
"Chúng tôi đang làm tốt và điều quan trọng là bảo vệ thành quả này", Alroy-Preis nói.
Adi Niv-Yionary, chuyên gia chính sách y tế Đại học Tel Aviv, thành viên ban cố vấn Covid-19 của Bộ Y tế, nhận định Israel có vẻ đang đi đến điểm cuối của đại dịch.
"Chúng tôi vẫn ghi nhận vài trường hợp dương tính nhưng số ca nhiễm cộng đồng sẽ sớm xuống mức 0. Tuy nhiên, chưa biết sắp tới có biến thể nào tấn công không", ông nói.
Theo Niv-Yionary, bên cạnh xâm nhập thông qua khách nhập cảnh, các biến thể cũng đến từ vùng lãnh thổ Palestine. "Không kiểm soát được virus ở khu vực đó", ông nói.
Israel đã hứng chỉ trích khi quyết định không tiêm vaccine cho hàng triệu người Palestine đang sống dưới sự kiểm soát của quân đội nước này. Tháng trước, chính quyền đồng ý viện trợ vài nghìn liều vaccine cho khu vực, song người Palestine ở Bờ Tây và Gaza dự kiến còn sống trong tình trạng phong tỏa nhiều tuần hoặc nhiều tháng nữa. Khu vực này dựa một phần vào sáng kiến Covax của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để có vaccine.
Theo ông Niv-Yionary, giới chức Israel nên tập trung phát hiện sớm biến thể nCoV, giám sát những địa điểm đông người, chẳng hạn trường học, sân vận động.
"Bài học lớn nhất của đại dịch là chúng ta không biết trước được điều gì, vì virus liên lục gây bất ngờ", ông nói.
Thục Linh (Theo Guardian)