Việc mở lớp đào tạo nhân sự vận hành tuyến metro được liên danh NJPT (tư vấn chung của dự án) ký hợp đồng với Cao đẳng Đường sắt, ngày 31/5. Công tác này nhằm chuyển giao kiến thức, công nghệ để khi Metro Số 1 hoàn thành các nhân viên có thể chủ động vận hành, khai thác.
Tại Cao đẳng Đường sắt, các học viên lái tàu được đào tạo trong 11 tháng, do từ năm 2020 họ đã học 9 trong tổng 19 môn trước khi bị gián đoạn quá trình giảng dạy. Ngoài lái tàu, những người còn lại thuộc các vị trí kỹ thuật viên điều độ, nhân viên nhà ga - bộ phận trực tiếp vận hành tuyến metro cũng được sắp xếp đào tạo trong đợt này tại trường.
Bà Văn Thị Hữu Tâm, Phó giám đốc đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị sẽ vận hành Metro Số 1), cho biết số nhân sự trên chiếm hơn 50% người của công ty. Ngoài ra, đơn vị này cũng phối hợp Ban quản lý đường sắt đô thị cùng các nhà thầu đào tạo, chuyển giao công nghệ bảo trì, vận hành các hệ thống thiết bị khác, dự kiến tuyển dụng thêm 200 người.
Metro Số 1 có 17 đoàn tàu, hiện đã nhập về toàn bộ chuẩn bị chạy thử. Đây là tuyến tàu điện đầu tiên của TP HCM, sử dụng công nghệ Nhật Bản. Quá trình đào tạo, ngoài học các quy định về Luật đường sắt, các học viên sẽ được chuyển giao công nghệ, chia sẻ kỹ thuật vận hành, khai thác...
Trước đó hồi tháng 7/2020, Cao đẳng Đường sắt khai giảng lớp đào tạo 58 học viên lái tàu cho tuyến Metro Số 1, dự kiến trong 15 tháng. Tuy nhiên, việc dạy phải tạm dừng sau nửa năm học do phụ lục hợp đồng tư vấn chung của dự án metro chưa được ký kết. Cuối tháng 4 năm nay, chủ đầu tư và liên danh tư vấn ký kết phụ lục hợp đồng, quá trình đào tạo được khôi phục.
Metro Số 1 tổng đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP Thủ Đức) với ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Hiện, dự án đã hoàn thành hơn 90% khối lượng. Dự kiến tuyến tàu điện sẽ được khai thác thương mại cuối năm tới.
Gia Minh