Thực tế 22 năm kinh nghiệm đi làm, trải qua nhiều vị trí công tác làm ở mấy đơn vị khác nhau, tôi rút ra một điều rằng người làm việc tận tâm, tận lực, cống hiến cho cơ quan thường có tính ngay thẳng, quyết liệt, chuyên môn giỏi, không biết nịnh hót, luồn cúi, không về phe cánh với ai, lại rất hay bị chèn ép, nói xấu, vu khống. Thành công của họ có thể khiến những đồng nghiệp có tính đố kỵ cảm thấy như cái gai trong mắt.
Một người bạn cũ của tôi chia sẻ rằng cô đi làm ở công ty cũng hơn chục năm, từng trải qua những năm tháng cực kỳ vất vả, làm việc miệt mài, chăm chỉ, nỗ lực gấp nhiều lần người khác mới được lãnh đạo cất nhắc, đề bạt lên vị trí quản lý cấp phòng. Khi được lên chức, dường như rất nhiều người quay lưng lại với bạn, thể hiện ra mặt sự khó chịu, hằn học trong các cuộc họp. Cứ mỗi khi tham dự cuộc họp, có người lại tìm cách bới móc lỗi của bạn dù rất nhỏ nhưng lại làm nghiêm trọng hóa vấn đề lên rất nhiều lần.
Đôi lúc, chẳng có lý do gì cũng kiếm cớ gây sự khiến không khí làm việc vô cùng căng thẳng. Những lời nói mang tính chất chửi bới, hạ uy tín của người khác được phát ra miệng của những đồng nghiệp nam nhiều khi khiến cô uất ức mà chảy nước mắt ngay tại cuộc họp, về đến nhà cũng không có tâm trạng ăn uống. Những lời nói mang tính sát thương của các đồng nghiệp nam cứ ám ảnh đầu óc, khiến cô chán nản, sợ phải đi họp, mất hứng thú làm việc và chỉ muốn nghỉ.
Người ta cứ nghĩ công sở toàn những người ăn mặc lịch sự, ngồi làm việc với máy tính, điều hòa mát lạnh, toàn người có trình độ học vấn cao, nên sẽ không bao giờ cãi nhau, chửi bới như hàng tôm, hàng cá. Thế mà có lúc họ cãi nhau còn hơn cả người bán hàng ở chợ. Chúng tôi đã quá quen thuộc với kiểu cứ họp là bị sếp chửi bới, trong cuộc họp cứ ai phát biểu ý kiến trái chiều là sếp sửng cồ lên quát nạt, thay đổi cách xưng hô, mắng chửi nhân viên không khác gì ông chủ mắng ô sin nhà mình.
Tại sao có những người lại cho mình cái quyền được mắng chửi đồng nghiệp vô tội vạ như thế? Pháp luật đều có quy định rất rõ về văn hóa công sở như Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2017 của Chính phủ ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa chú trọng đến điều này và chưa dựa trên căn cứ quy tắc ứng xử để đánh giá viên chức. Một số người năm nào cũng đạt danh hiệu lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhưng ứng xử với đồng nghiệp không đủ tôn trọng, không hợp tác trong công việc, luôn phát biểu ý kiến thiếu thiện chí xây dựng, sẵn sàng chửi bới đồng nghiệp trong cuộc họp và chơi xấu đồng nghiệp mọi lúc mọi nơi.
>> Đồng nghiệp body shaming tôi '30 tuổi nhưng nhàu nhĩ như người già'
Bạn bè tôi công tác ở nhiều vị trí trong các cơ quan nhà nước đều tâm sự rằng không ít lần tham dự các cuộc họp phải chứng kiến cảnh mấy đồng nghiệp nam cùng hùa với nhau để bắt nạt đồng nghiệp nữ. Họ luôn tìm cách gây khó khăn trong công việc cho những người phụ nữ bé nhỏ, kém tuổi họ nhưng lại có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt hơn họ, được cấp trên trọng dụng hơn. Họ nghĩ đủ cách để chơi xấu đồng nghiệp nữ và hả hê khi cô ấy gặp khó khăn.
Đành rằng, cơ quan nào cũng có hiện tượng ganh ghét, đố kỵ. Chuyện nói xấu, bắt nạt ở nơi làm việc là chuyện thường ngày. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh là đồng nghiệp nam bắt nạt đồng nghiệp nữ. Các anh hơn họ về tuổi đời, về thâm niên công tác, về kinh nghiệm sống. Giá như các anh có thể giúp đỡ đồng nghiệp nữ một cách nhiệt tình thì tôi tin rằng họ sẽ rất biết ơn và cảm kích rất nhiều, sẽ hết lòng hợp tác trong công việc. Đằng này, các anh lại thể hiện thái độ hằn học, khó chịu, không hợp tác, gây khó khăn cho đồng nghiệp nữ. Như vậy, các anh có còn xứng mặt làm đàn ông hay không?
Hiện tại, tôi may mắn được làm việc dưới quyền của lãnh đạo là phụ nữ. Mỗi ngày đến cơ quan làm việc là một ngày vui vẻ, thoải mái về tinh thần, không có ai mắng chửi, không có ai chơi xấu, không có ai "bơm vá" kích động gây mất đoàn kết nội bộ. Mọi công việc đều được lãnh đạo triển khai, hướng dẫn cụ thể, phân công công việc luôn công bằng, không có tình trạng người thì đi chơi suốt, người thì làm không hết việc. Tất cả việc khó nhất đều do trưởng phòng đảm nhiệm.
Sếp tôi luôn tự làm trực tiếp tất cả công việc được, không bao giờ đổ hết việc cho nhân viên. Cường độ làm việc của sếp cao đến mức tất cả chúng tôi đều thán phục, không hiểu sao cô ấy có nhiều năng lượng tích cực đến thế? Công việc luôn có quá nhiều khó khăn mà cô chỉ buồn trong chốc lát rồi lại lấy lại tinh thần và động viên chúng tôi.
Ra cuộc họp, nếu như lãnh đạo đơn vị khác đổ lỗi hết cho nhân viên thì sếp tôi sẽ chủ động đứng ra giải đáp mọi thắc mắc của cấp trên, "hứng bão" thay cho nhân viên của mình. Làm việc với một người lãnh đạo luôn lao động cần mẫn, chăm chỉ với thái độ sống tích cực, luôn đối xử tử tế với mọi người như thế khiến chị em chúng tôi luôn cảm kích, biết ơn và tự nhủ sẽ phải cố gắng làm việc tốt hơn.
Lòng đố kỵ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, như những khác biệt trong thăng tiến, tiền lương, sự công nhận, chuyên môn và thậm chí là cả chuyện giàu - nghèo. Vì vậy, tốt hơn hết, hãy giữ thái độ bình tĩnh và nhớ rằng, những người ghen tỵ, "buôn chuyện" về bạn chẳng qua chỉ vì họ muốn có được những thành tích như bạn mà chưa làm được.
Vấn đề đang nằm trong cách quản lý, giao trách nhiệm, đánh giá hiệu quả Bộ Nội vụ đang đề xuất xây dựng cơ chế sát hạch công chức nhằm bố trí người lao động vào các vị trí việc làm phù hợp với năng lực và trình độ.Đề xuất xây dựng cơ chế sàng lọc công chức. Kỳ vọng giải quyết được tình trạng né tránh, đùn đẩy, chây ỳ và tâm lý "công chức suốt đời". Quan điểm của bạn thế nào?
Vũ Thị Minh Huyền
- Sợ đi làm vì bị đồng nghiệp cô lập, bắt nạt
- Đồng nghiệp gọi điện bàn công việc, tôi yêu cầu gửi mail
- Cuộc chiến 'dìm hàng' đồng nghiệp khi bình bầu nhân viên cuối năm
- 20 năm đối phó với đồng nghiệp đố kỵ, chơi khăm
- Tôi 'work hard' phải gánh hậu quả cho đồng nghiệp 'work smart'
- Đồng nghiệp trẻ không giữ cửa cho tôi