Nơi công sở nhìn bên ngoài có lẽ là môi trường làm việc mơ ước của không ít người. Thế nhưng, khi ở đó một thời gian, bạn sẽ nhận thấy rất nhiều góc khuất đằng sau những nụ cười có vẻ thân thiện của đồng nghiệp. Môi trường công sở vốn là nơi quá phức tạp, khi bạn gặp gỡ, giao lưu và tương tác với đồng nghiệp trong thời gian còn nhiều hơn với người thân trong gia đình. Việc xuất hiện sự ganh đua, nói xấu nhau giữa nhân viên với sếp hay giữa nhân viên với nhau là điều khó tránh khỏi.
Sau 20 năm làm việc, tôi nhận ra rằng công sở chỉ là môi trường làm việc, tuyệt đối không phải nơi giao lưu hay mở rộng các mối quan hệ. Hằng ngày, ta phải dành ít nhất 8 tiếng để hoàn thành công việc được giao. Đó mới là mục tiêu chính ta cần hoàn thành và là mục tiêu duy nhất ta có mặt ở cơ quan. Do vậy, rất khó có thể tìm được bạn thân. Ai có thể có được một vài người bạn thân thực sự là vô cùng may mắn và có duyên với nhau.
Tôi thấy công sở cũng khốc liệt như chiến trường. Môi trường công sở vốn ẩn chứa kho tàng thâm cung bí sử với lắm câu chuyện bi hài mà khi nhắc đến ai cũng bất ngờ vì ngoài sức tưởng tượng và chán nản đến mức muốn nghỉ việc. Mối quan hệ đồng nghiệp tốt, bạn sẽ có những người đồng đội tuyệt vời, giúp bạn thành công và có không khí làm việc hiệu quả, vui vẻ. Nhưng ngược lại, nếu đồng nghiệp thường xuyên ghen ghét, đố kỵ, hay thích cướp công, nói xấu... thì sẽ tạo cho bạn sự chán chường, gây áp lực, đi làm như một cuộc tra tấn.
Những lý do khiến chúng ta khó tìm được các mối quan hệ chân thành không tính toán nơi công sở đó là:
Thứ nhất là thói quen buôn chuyện của dân công sở. Từ những việc trên trời dưới đất, hay những câu chuyện đời tư người khác vẫn luôn là chủ đề nóng không có hồi kết của hội buôn dưa lê. Họ đến với nhau vì có chung sở thích soi mói người khác, đặc biệt đối tượng soi mói của họ đang bị "bạo hành" tâm lý và có thể bị cô lập tại nơi làm việc.
Thứ hai là môi trường công sở vốn là nơi tập hợp nhiều người với đa dạng tính cách và sự toan tính khác nhau. Có người thích lợi dụng, có người thích đạo đức giả, có người thích nói xấu sau lưng, có người luôn giả vờ thân thiết với bạn. Nhìn bề ngoài sóng êm biển lặng nhưng thực chất đầy sự cạnh tranh khốc liệt. Dù không thể hiện rõ, trong mỗi chúng ta luôn tồn tại sự so sánh với nhau.
Nếu bạn trở nên quá nổi bật về sắc đẹp, bằng cấp, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, năng khiếu nghệ thuật, điều kiện kinh tế, mối quan hệ rộng... và thể hiện ưu điểm không khéo léo sẽ dễ trở thành tâm điểm bàn tán hoặc bị chơi xấu. Nếu quá hiền lành thì bạn sẽ trở thành "con rối" bị mọi người bắt nạt. Sự đấu đá chốn công sở vốn như cơn sóng ngầm dưới lòng đại dương, rất khó để nhìn thấy nhưng luôn tồn tại ở mọi nơi.
>> Đồng nghiệp chê tôi hèn nhát vì không dám nhảy việc
Thứ ba là ai cũng muốn được sếp trọng dụng và khen ngợi, do đó giữa đồng nghiệp với nhau có một sự cạnh tranh ngầm. Nếu thấy ai đó được thăng chức hay được sếp trọng dụng hơn, chắc chắn sẽ nảy sinh lòng đố kỵ, nhiều khi họ còn bày mưu chèn ép, giẫm đạp, hãm hại đồng nghiệp chỉ với mục đích lên được vị trí họ mong muốn, không muốn cho ai bằng mình hoặc hơn mình.
Bình thường cứ "chị chị em em", "anh anh em em" nghe có vẻ rất thân thiết nhưng khi đề cập đến vấn đề thăng quan tiến chức hoặc sự phân công công việc hoặc phân chia lợi ích gì đó, tình bạn nơi công sở có thể gặp trục trặc. Người ta sẵn sàng trở mặt với nhau và không nghĩ đến tình đồng nghiệp gắn bó bao nhiêu năm nữa, theo kiểu thân ai người đấy lo.
Thứ tư là nền tảng xây dựng các mối quan hệ ở công sở đa phần gắn bó với nhau bởi lợi ích và sự tính toán. Nếu bạn có mối quan hệ ở trên cao hay bạn có chỗ dựa vững chắc như là người nhà của sếp, hoặc có điều kiện kinh tế tốt, thì chắc chắn có rất nhiều người vây quanh bạn, tìm mọi cách lấy lòng bạn. Họ không tự nhiên tốt với bạn, ẩn giấu đằng sau những sự nhiệt tình, tốt bụng ngoài sức tưởng tượng của bạn luôn là một lý do nào đó. Khi tìm hiểu ra lý do thực sự vì sao họ tốt với mình có khi bạn sẽ lại thất vọng tràn trề.
Khi bạn không còn tích cực ngoại giao, biếu quà cho sếp, không chịu mọi sự điều khiển của sếp, không còn giá trị để họ lợi dụng thì họ lập tức quay lưng với bạn như chưa từng quen biết. Họ sẽ tìm cách cắn bạn sau lưng và đi khắp nơi nói xấu bạn. Xuất phát điểm ban đầu có thể rất quý nhau nhưng sau thời gian làm việc cùng mới hiểu rõ bản chất của nhau và thấy họ không phù hợp để làm bạn của mình, không thể đi chung một con đường.
Có nhiều người không khỏi thắc mắc về việc mình chẳng làm gì sai, làm việc rất tích cực, luôn đối xử tốt với mọi người nhưng lại bị đồng nghiệp ganh ghét, nói xấu hay sống "hai mặt". Trên thực tế, việc bạn tốt và bị đơm đặt tin đồn không liên quan đến nhau. Một khi bạn không cùng phe với họ, bạn nổi trội hơn họ nhiều mặt, bạn có nhiều quyền lợi hơn họ thì họ sẽ ghét bạn và đi nói xấu bạn không cần phải có lý do.
Trừ khi bạn ở nhà không đi làm, còn khi đã bước chân vào chốn công sở thì kiểu gì bạn cũng sẽ va chạm phải những điều không mong muốn đó. Chúng ta khó có thể tìm được một môi trường lành mạnh hoàn toàn, phải chấp nhận sống chung với lũ và học cách thích nghi với hoàn cảnh mà thôi.
Vậy làm gì để tránh xa khỏi thị phi chốn công sở? Cá nhân tôi áp dụng theo các cách sau đây:
Thứ nhất, làm việc thật chăm chỉ, tập trung vào chuyên môn, làm tốt công việc của mình.
Thứ hai, bỏ ngoài tai những lời đồn đại và chứng minh cho mọi người thấy điều ngược lại bằng kết quả công việc.
Thứ ba, đối xử thật tốt với những người tốt với mình. Tuy nhiên, không nên tốt với tất cả mọi người hay tốt bụng một cách mù quáng, để người khác lợi dụng bạn. Ai chơi xấu thì phải tránh xa họ ra và có phản ứng đủ để họ biết rằng mình không phải đối tượng dễ bị bắt nạt.
Thứ tư, học cách tự bảo vệ mình, thẳng thắn đối mặt và giải quyết vấn đề. Nếu không thể thay đổi sự đố kỵ của đồng nghiệp thì đừng quan tâm đến thái độ của họ.
Thứ năm, học cách sinh tồn nơi công sở. Ngoài khả năng chuyên môn, để có thể thích nghi với môi trường công sở cần có những kỹ năng tổng hợp từ giao tiếp, ứng xử, lập kế hoạch, học tập, làm việc, cho đến cách tiếp nhận thông tin, xử lý tình huống, thậm chí là cách thức đi đứng, ăn mặc, nói năng, các vấn đề vệ sinh...
Sau nhiều năm đi làm, tôi nhận ra rằng thà ít bạn mà tốt còn hơn nhiều bạn mà toàn người lợi dụng, hãm hại nhau. Cố kết giao với những đối tượng không tốt thì sẽ có ngày chính mình là người phải chịu thiệt thòi, thất vọng và hối hận.
>> Bạn làm gì khi bị đồng nghiệp đố kỵ chơi xấu? Chia sẻ bài viết tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.