Điều khiến tôi trăn trở nhất về những vụ bạo lực học đường xảy ra gần đây là, dường như một bộ phận người lớn vẫn chưa nhận thức hết vấn đề này mà chỉ dừng ở mức "điều này là mâu thuẫn của trẻ con".
Bạo lực học đường xảy ra đã lâu; năm nào cũng có tin tức về bạo lực học đường được đưa ra bàn luận. Có những sự việc đau lòng bắt nguồn từ một vài tranh cãi nhỏ mà nếu được nhận ra kịp thời thì đã không xảy ra việc "cha mẹ mất con, bạn mất bạn thân...".
Là một độc giả, tôi lo lắng cho những đứa trẻ nói: "Con sợ đi học..." mà ứa nước mắt. Chúng ta sẽ không thể biết các em sợ như thế nào trừ khi đặt mình vào vị trí của các em.
Thông thường, khi một đứa trẻ gặp một điều gì đó không vui, các bạn ý sẽ tìm đến một người nào đó đủ tin tưởng để giãi bày tâm sự. Có thể là một người trong gia đình, một người bạn, hoặc cũng có thể là một người xa lạ nào đó.
Tại sao lại như vậy? Nói một cách đơn giản, những người như vậy biết cách lắng nghe, có thể họ không giúp được điều gì quá to tát, nhưng những người đấy giúp em nhẹ đi bầu tâm sự trong lòng.
Vậy có một câu hỏi đặt ra? Sao các em không đến tìm những người thân như bố, mẹ, hay thầy cô giáo... Thật ra trẻ em rất thông minh, chúng luôn tìm hiểu để biết được ai đủ tin tưởng để các em nói những bí mật của riêng mình.
Có những gia đình dạy con rất tốt, họ tôn trọng sự riêng tư của con và luôn lắng nghe, tạo động lực cần thiết để chính bản thân đứa trẻ em đó hoàn thành mục tiêu của mình, khi đứa trẻ gặp một chuyện gì đó nguy hiểm, họ sẵn sàng can thiệp để ngăn những điều tồi tệ khác xảy ra.
Tuy nhiên, có những gia đình vì nhiều nguyên nhân, thường coi chuyện của các em là chuyện nhỏ, ít để ý và vì vậy các em sẽ ít chia sẻ chuyện riêng tư của mình mà lại tìm đến những đối tượng khác như bạn bè, hoặc những người lạ.
Tuy vậy, ở những trường hợp kém may mắn hơn, khi các em không tìm được nơi để chia sẻ, các em sẽ giữ điều đó trong lòng, khi những điều buồn bã đó tích tụ đủ lâu, dần dần sẽ nảy sinh những biểu hiện ra bên ngoài (tùy theo mức độ) và khi đạt đến điểm giới hạn, các em sẽ có thể làm những hành động dại dột, không kiểm soát.
Người lớn chúng ta trong một số trường hợp cũng không thể nói được những chuyện buồn ra và phải giữ trong lòng. Bản thân chúng ta lúc đó cũng mong muốn có những người thật sự tin tưởng để nói những điều đó cho lòng nhẹ nhàng. Những đứa trẻ cũng giống chúng ta vậy đó, nhưng chúng còn quá trẻ để hiểu hết nên nếu không có biện pháp thì những điều tiêu cực sẽ xảy ra.
Người xưa hay nói "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Trước khi ngành giáo dục và các chuyên gia trong lĩnh vực trẻ em ngồi lại, tìm giải pháp cho căn cơ và thực hiện giải quyết vấn đề này thì hi vọng, các bậc phụ huynh khi đọc bài viết này, hãy nhìn lại chính bản thân mình, không chỉ là một người phụ huynh, hãy là một người bạn của con.
NCHQ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.