Tôi từng là giáo viên nhưng chưa bao giờ tôi bắt phạt học sinh bằng cách quỳ hay các hình thức hành hạ thể xác nào. Phụ huynh bắt cô quỳ thì bảo vi phạm nhân quyền. Bộ cô bắt trò quỳ thì không vi phạm nhân quyền sao? Trẻ em không phải là người? Các em lại là những đứa trẻ tiểu học, tâm hồn non nớt, dễ bị tổn thương.
Làm nhà giáo, ngoài cái tài cần có cái tâm. Cô là giáo viên dạy giỏi mà bắt phạt học sinh tiểu học quỳ đến mức bọn trẻ sợ hãi không dám đến lớp thì cô có tài mà còn thiếu cái tâm đó.
Tôi nhớ ngày bé đã từng bị một người hàng xóm bắt tôi quỳ, rồi ông ta quên mất, bỏ đi và tôi cứ quỳ ở đó đến tận tối muỗi đốt khắp người, nhưng vì sợ ông ta mà không dám đứng lên. Đến khi bố mẹ không thấy tôi đâu gọi khắp nơi tôi mới dám thưa và mẹ tìm được tôi thì tôi ôm mẹ khóc nức nở.
Khi đó tôi 8 tuổi và nó ám ảnh đến tận hôm nay. Đây có thể coi là một hình phạt dã man, tra tấn cả thể xác và tinh thần con người. Nhất là lại bắt quỳ trước mặt các bạn khác, không chỉ là tra tấn mà còn là làm nhục bọn trẻ. Vì thế chưa từng bao giờ tôi bắt phạt quỳ bọn trẻ.
Nếu cô giáo bắt quỳ, hẳn bọn trẻ phải quỳ rất lâu chúng mới sợ hãi đến vậy. Làm cha mẹ ai mà không xót con, họ phản ứng như vậy cũng là bình thường. Ở đây cô giáo là người làm nghề sư phạm, đạo đức nghề nghiệp không cho phép cô bạo hành bọn trẻ như thế.
Có một điều đáng nói là chính cô giáo đã nói ra câu này: "Thì tôi quỳ là được chứ gì". Thứ nhất, chính cô là người tự đưa ra hình phạt cho mình trước. Thứ hai, câu nói này thể hiện cô không nhận thấy cô sai, mà chẳng qua là cô phải chịu thua trước áp lực quá lớn của cha mẹ học sinh mà thôi.
Bản thân tôi thấy cách xử lý vấn đề của cô không ổn. Nhiều người lên án cha mẹ các cháu bé mà quên mất ngọn nguồn gây ra vụ việc rùm beng này là cái sai của cô giáo, là sự méo mó trong đạo đức nghề nghiệp của người làm nghề giáo.
Nếu cô giáo này được bênh vực và không bị xử lý do cái sai của cô gây ra, tôi tin chắc rằng vấn nạn giáo viên bạo hành học sinh sẽ càng tiếp diễn.
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.