Theo nghiên cứu của cá nhân tôi, năm 2016 giá một căn nhà trong hẻm tại quận Tân Phú (TP HCM) là khoảng hai tỷ đồng, các năm sau đó tăng quá nóng tới cuối 2019 đầu năm 2020 thì đã có giá khoảng tám tỷ.
Năm rồi và năm nay giá vật liệu xây dựng tăng phi mã, giờ này chắc giá sẽ hơn tám tỷ đồng một chút. Tới miếng đất bé bé mặt chợ ở trong làng tôi bây giờ giá cũng cả tỷ bạc rồi.
Người nào đã chậm chân thì thôi tạm gác qua một bên, chuyến tàu giấc mơ nhà đất đã đi quá xa rồi, tới khói tàu mình còn không được hít nữa là. Anh em nên tạm quên đi, lấy tiền đó để mà theo đuổi đam mê. Ai thích đi du lịch thì đi du lịch, ai thích chơi xe thì chơi xe, con cái cũng đẻ ít lại, lo cho các cháu ăn uống đủ đầy, văn thể mỹ cho khoẻ mạnh.
Không đâu như ở xứ ta, nhà giàu làm được đồng nào cũng đổ hết vào đất với cát. Ai muốn mua đất cát thì cũng đều phải vay anh em bạn bè, vay tứ lung tung hết cả lên, rồi 20-30 năm đẹp nhất cuộc đời cày è cổ ra trả nợ.
Đất cát làm cho một bộ phận giàu lên thật đấy, nhưng xã hội phải trả quá nhiều chi phí, bỏ lỡ quá nhiều cơ hội. Nhà khoa học, chuyên gia, nghệ nhân... cũng vì gánh nặng căn nhà mà sức sáng tạo nó cũng giảm đi nhiều.
Người Việt (tất nhiên không phải tất cả) mình rất thích đua nhau đổ tiền vào đầu tư bất động sản, tiền và nguồn lực đổ dồn hết vào đất cát, nên các mảng tiêu dùng, sản xuất bỏ ngỏ cho nước ngoài làm.
>> Có 3 tỷ vẫn 'chịu khổ' mua nhà 20 m2 trung tâm
Bản chất cơ bản của nhà đất là để ở, và ở một cách thoải mái để an cư. Vậy nếu có quá nhiều người mua đất không phải để ở thì thị trường đó mang tính đầu cơ quá cao, và nhiều người có nhu cầu thật không mua được.
Cả đời của nhiều người phải tằn tiện, phải gánh nợ bao nhiêu áp lực để chỉ có một nơi tạm gọi là chui ra chui vào. Đương nhiên như vậy, chúng ta đã phải bỏ ra quá nhiều nguồn lực để được nhu cầu cơ bản là ở, mà phải hy sinh quá nhiều nhu cầu khác như đời sống tinh thần, học tập... Đó chính là thất bại của thị trường bất động sản.
Coffees
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.