Giá đất và nhà luôn là những vấn đề làm cho mọi người tranh luận, nhưng tôi quan sát thì thấy chủ yếu có hai luồng ý kiến:
Thứ nhất, cứ để thị trường điều tiết giá đất, chỉ cần nhà nước quản lý chặt việc đóng thuế đúng thực tế để tránh thất thu. Đây phần lớn là ý kiến của những người kiếm ra đủ tiền mua đất và muốn đất tăng giá.
Trong quá trình kiếm tiền họ đã đóng góp rất nhiều tiền từ thuế thu nhập, lương trả cho người lao động (nếu họ làm chủ), họ cũng chi tiêu nhiều hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế chung. Nhờ vậy các ngành dịch vụ, sản xuất sẽ có thêm doanh thu.
>> Có chục tỷ đồng, ai sẽ đầu tư kinh doanh thay vì mua đất?
Thứ hai, phải siết chặt, đánh thuế nặng... để hạn chế mua bán bất động sản, qua đó giá đất sẽ thấp xuống và họ hy vọng sẽ mua được nhà đúng ý muốn với giá thật thấp mà không cần phải làm thêm gì để tăng thu nhập.
Đây phần lớn là những người chưa sở hữu được nhà đất, và không biết làm cách nào kiếm đủ tiền sở hữu được nhà đất mình ưng ý. Còn đất ở xa, ở tỉnh, ở quê... thì có thể mua được hoặc thậm chí có sẵn nhưng không ưng.
Nhưng nếu giả sử họ mua được một mảnh đất ở thành phố, thì họ có muốn nó tăng giá hay không?
Theo tôi để giúp người có thu nhập thấp an cư lạc nghiệp thì phải dựa trên tiền đề: giá căn hộ sẽ giảm khi giới hạn thời gian sở hữu. Tôi giả sử như sau: Ở Hà Nội, tạm tính một căn hộ có giá tầm 3 - 3,5 tỷ đồng (sở hữu vĩnh viễn) sẽ cho thuê được 10 triệu đồng một tháng. Vậy nếu là bạn thì bạn chọn cách nào sau đây:
1. Thuê nhà, trả theo tháng, mỗi tháng 10 triệu đồng. Nếu tính giá thuê hàng năm tăng 5% thì tổng tiền phải trả để thuê nhà sau 50 năm là cỡ hơn chục tỷ. Nghe thì giật mình nhưng các bạn so sánh lại xem 50 năm trước (1972) nếu ai có trong tay 3 tỷ thì sẽ như thế nào nhé. Trường hợp thuê nhà thì tất nhiên mất trắng số tiền thuê và không được quyền định đoạt gì hết. Ưu điểm là có thể linh hoạt thích thì thuê chỗ khác theo nhu cầu.
>> Giá nhà đất liên tục tăng vì 'hội chứng ăn theo'
2. Mua trong thời gian 50 năm với giá 3-3,5 tỷ đồng. Ưu điểm là không phải chịu mất giá, có thể định đoạt trong vòng 50 năm đó như bán, cho thuê lại, thừa kế và không lo bị chủ nhà đuổi khỏi nhà bất kỳ lúc nào. Nhược điểm là bỏ tiền ra một lần và phải gắn bó với nó.
3. Đặc biệt, nếu có chính sách giá cho chung cư sở hữu 50 năm = 50 - 70% chung cư sở hữu vĩnh viễn chẳng hạn, thì chỉ cần hai tỷ đồng là có thể mua được một căn hộ, chưa kể tới chính sách hỗ trợ của ngân hàng.
Nếu là tôi, chắc chắn tôi chọn phương án thứ ba này. Hàng tháng không phải trả tiền nhà, ở 50 năm (nếu tôi sống rất rất thọ) đã là quá đủ và chắc chắn con cái cháu chắt đã ở riêng hết rồi.
Vậy nên tôi cho rằng nếu có chung cư sở hữu 50 năm thì giá bán sẽ giảm xuống và sẽ giải quyết được bài toán chỗ ở rất tốt cho người thu nhập thấp. Giả sử với chung cư loại 50 năm mới và ở dạng khá, có giá hai tỷ đồng (khoảng 80m2, bằng một nửa giá sở hữu lâu dài là bốn tỷ), cộng với việc vay ngân hàng 30 năm thì tổng vốn và lãi cũng tầm ba tỷ đồng.
Chia cho 50 năm sở hữu 3 tỷ / 50 / 12 = 5 triệu đồng, tức mỗi tháng người dân chỉ trả 5 triệu đồng coi như tiền thuê nhà nhưng hoàn toàn không lo bị đuổi, nhà có thể bán hoặc thừa kế. Nếu trả thẳng thì chỉ trả hai tỷ đồng thôi. Đến 50 năm sau nhà cũng nát rồi, tính ra vẫn còn quá rẻ so với đi thuê.
Minh Hoàng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.