Nhiều người nói về thành tích cao của các đoàn Việt Nam tại các kỳ thi Olympic quốc tế (Toán, Lý, Hóa, Sinh...). Đạt được thành tích như vậy tất nhiên là rất tuyệt vời, đáng phấn khởi và tự hào, vì điều đó chứng tỏ rằng học sinh Việt Nam đủ sức đua tranh với các nước khác.
Theo tôi, đạt thành tích quốc tế là đáng tự hào nhưng đừng vội lạc quan, cần phải nhìn nhận thẳng vào các vấn đề thực tế hiện nay, đó là:
Thứ nhất, thi trực tuyến trong điều kiện đang còn dịch Covid-19.
Với hình thức thi này thực ra không khác gì thi tại nhà, thí sinh không chịu nhiều áp lực như khi đi thi ở quốc gia khác, đây là một lợi thế tâm lý rất lớn. Còn nếu thi trực tiếp có lẽ kết quả sẽ không như chúng ta đạt được như thi trực tuyến.
>> Toán cấp 3 của tôi thừa sức học kỹ sư tại Australia
Thứ hai, quy trình lựa chọn đội tuyển thi.
Phần lớn các nước không chọn đội tuyển kỹ như chúng ta. Thành thực mà nói họ cũng không tốn nhiều công sức luyện học sinh đi thi như ta. Nếu có luyện như dạng trường hè thì mục đích không phải nhằm đi thi mà là để nâng cao hiểu biết về toán học.
Để cụ thể chúng ta hãy tìm hiểu về quy trình thi HSG Toán ở Mỹ, một quốc gia có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Quy trình đó được thể hiện trong sơ đồ dưới đây:

Qua quy trình trên chúng ta thấy cuốc thi HSG ở Mỹ mở rộng cho tất cả các học sinh, các đối tượng miễn là đúng cấp học, tiến đến cuối cùng là chọn một đội tuyển có đủ trình độ để đi thi IMO.
Quá trình tuyển chọn diễn ra trong thời gian ngắn, bắt đầu từ tháng 2 và đến tháng 7 là phải xong vì đây là thời điểm diễn ra IMO. Khoảng thời gian tuyển chọn với đa dạng đối tượng, ở mọi loại trình độ, thế mà cuối cùng lại lựa chọn được một đội tuyển thi giàu thành tích như Mỹ thì điều đó cho thấy quy trình, cách thức đánh giá kết quả học tập của học sinh ở Mỹ ưu việt, khoa học, khách quan và chính xác đến nhường nào.
Hơn thế nữa việc đứng ra tổ chức kỳ thi lại do các tổ chức phi chính phủ làm, đó là Hội Toán học Mỹ, Viện Hàn lâm khoa học, Quỹ Khoa học Quốc gia, các công ty như Microssoft...
>> Sàng lọc học sinh giỏi bằng đạo hàm, tích phân
Ở Việt Nam ta có hệ thống các lớp chuyên, lớp chọn, học sinh của ta được luyện tập hàng năm, làm nhiều kiểu toán thường gặp trong các lỳ thi HSG Toán. Hơn nữa nói một cách chính xác cả nước chuẩn bị cho kỳ thi khi tỉnh nào cũng có trường chuyên, lớp chọn, có sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều đó cho thấy việc lựa chọn HSG của Việt Nam là có tổ chức và có hệ thống. Đây là một lợi thế lớn và nhiều nước không có.
Tuy nhiên tư duy giáo dục của ta khác với nhiều nước khác trên thế giới. Với nhiều nước cuộc thi Olympic Toán học có mục đích nhằm khuyến khích phong trào học toán ở trường học, chứ không ai dựa vào đó để xếp thứ tự trình độ khoa học toán học của các nước, vì thế họ không đầu tư vào đó nhiều.
Cũng cần phải thấy rõ thực chất thi Olympic Toán học chẳng hạn là yêu cầu trong một thời gian ngắn phải giải xong một số bài toán khó. Muốn đoạt giải trong kỳ thi đó học sinh phải thông minh, nhanh nhạy, có kiến thức và kỹ năng vững vàng.
Tuy nhiên phải nhìn nhận điều là có nhiều học sinh giỏi nhưng không thể đạt được kết quả cao trong những kỳ thi như vậy vì họ chỉ quen làm toán trong điều kiện bình thường.
Chính vì thế mà thi HSG hay thi Olympic các môn học là cuộc thi kiểm tra một loại khả năng đặc biệt. Khả năng ấy tuy quan trọng nhưng không phải là điều kiện nhất quyết để có thể trở thành nhà toán học, và có thể khẳng định từ thành tích thi Olympic đến chỗ trở thành nhà toán học là cả một quãng đường dài và nhiều chông gai.
Một vấn đề đặt ra cho giáo dục nói riêng và xã hội nói chung là theo dõi quá trình về sau của các học sinh đạt giải quốc tế. Có thể nói chúng ta đầu tư cho các lớp chuyên chọn như Toán, Lý, Hóa... rất nhiều, chẳng hạn như Toán học.
Tuy nhiên thành thực mà nói Toán học chúng ta hiện nay chưa có một lớp kế tục xứng đáng so với thế hệ trước (thế hệ các thầy Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Nguyễn Cảnh Toàn, Hà Huy Khoái, Ngô Việt Trung, Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn...) để có thể hòa vào dòng chảy toán học quốc tế, để thế giới có thể thừa nhận có một trường phái toán học Việt Nam.
Điều đó cho thấy sau thế hệ các nhà toán học tiền bối, sau các giải thưởng Olympic toán học hay các môn học khác là một khoảng trống đáng sợ nói lên rằng nếu cứ như thế này thì khoa học tự nhiên của Việt Nam sẽ dần tụt hậu không chỉ với các nước trên thế giới mà ngay cả với các nước trong khu vực.
>> Tích phân và 'chiếc chân chống made in Vietnam bị lỗi'
Điều này trái ngược với nhiều nước khác trên thế giới. Có thể kể điển hình là Pháp, thành tích học sinh thi Olympic các môn quốc tế của Pháp không thể sánh được với Việt Nam thế nhưng họ lại đang có nhiều nhà toán học trẻ làm việc say sưa, rất sung sức, tạo thành một trường phái có tầm ảnh hưởng lớn trên bình diện quốc tế, ngoài ra việc giảng dạy toán học ở các cấp có quy củ, chất lượng được nâng lên liên tục.
Vì lẽ đó một nhà toán học đã từng nói: Tôi thà đổi tất cả các giải thưởng Olympic để lấy một đội ngũ những người làm toán trẻ, có khả năng, có tâm huyết, năng động, thật sự vì đất nước, vì khoa học mà cống hiến còn hơn là có nhiều người đoạt giải cao mà sau đó mất hút hẳn hoặc trở thành những nhà khoa học mờ nhạt.
Điều này các nhà giáo dục có suy nghĩ như thế nào?
Nguyễn Trường Giang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.