Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết tính đến ngày 17/9, Mỹ ghi nhận 675.722 ca tử vong do nCoV. Sau đại dịch cúm 1918 khiến 675.000 người chết ở Mỹ, virus cúm A H1N1 đột biến thành các chủng cúm mùa hiện nay với tác động ít nghiêm trọng hơn nhiều.
Cột mốc xuất hiện trong bối cảnh Mỹ đang đối phó đợt bùng phát liên quan đến biến chủng Delta, trong đó tỷ lệ tiêm vaccine thấp là nguyên nhân chính khiến số ca tử vong cao ở một số khu vực.
Đại dịch cúm 1918 khiến khoảng 50 triệu người tử vong trên toàn cầu trong năm 1918-1920, vượt xa số ca tử vong trong Covid-19 là khoảng 4,7 triệu.
Số ca tử vong do nCoV tại Mỹ chiếm khoảng 14% thế giới, trong khi dân số nước này chỉ chiếm 5%. Dân số tại Mỹ năm 1918 chưa bằng 1/3 so với hiện nay, do đó số ca tử vong trong đại dịch cúm đầu thể kỷ 20 tương đương với 2,2 triệu người chết hiện nay.
Không giống Covid-19 ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em và người cao tuổi, bệnh cúm năm 1918 gây ra tỷ lệ tử vong cao bất thường ở nhóm trẻ tuổi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết tình trạng không có thuốc và vaccine khiến nỗ lực kiểm soát dịch bệnh bị hạn chế trong đại dịch năm 1918.
Nhiều loại vaccine Covid-19 với tính an toàn và hiệu quả cao đã được phát triển và thử nghiệm trong thời gian ngắn kỷ lục. Tuy nhiên, khoảng 24% người trưởng thành tại Mỹ, tương đương gần 60 triệu dân, vẫn chưa tiêm mũi vaccine đầu tiên. Giới chuyên gia nhận định nguyên nhân của tình trạng do dự tiêm vaccine là khủng hoảng nhận thức và thông tin sai lệch.
Ngoài vaccine, các phương pháp điều trị Covid-19 khác được phát triển bao gồm sử dụng kháng thể đơn dòng, máy thở tiên tiến và nhóm thuốc chống viêm corticoid để giảm các phản ứng miễn dịch quá mạnh ở bệnh nhân nặng.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)