Lễ thành hôn với chủ đề "Reply 1996" của cặp đôi cùng 35 tuổi được tổ chức trong một tổ hợp giải trí ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Hơn 200 quan khách đến dự, ngay khi qua cửa, tất cả sẽ được phát khăn quàng đỏ.
Trong sân, không gian tổ chức tiệc được thiết kế nhằm tái hiện khung cảnh cổng trường tiểu học vào giờ tan tầm của năm 1996, với những món quà vặt gợi nhớ "một trời tuổi thơ" với ô mai Thái, bim bim cua, xe kẹo kéo, kẹo bông. Quầy bánh giò, trứng vịt lộn, cháo sườn, quẩy nóng và tào phớ hút khách nhất. Gánh bỏng ngô cũng được nhiều người ghé thăm.
Sân khấu chính có dòng chữ "Lễ sơ kết học kỳ I, chuỗi học kỳ hôn nhân của đôi bạn cùng tiến Nguyễn Quốc Khánh, Vũ Nguyệt Ánh".
Đúng giờ "hoàng đạo", toàn thể khách mời cùng cô dâu, chú rể được mời đứng dậy làm lễ chào cờ, hát quốc ca, Đội ca và hô các khẩu hiệu thường thấy trong các buổi lễ chào cờ truyền thống của một trường tiểu học.
Mở đầu chương trình, MC chia sẻ: "Cùng thời điểm này năm ngoái, do Covid-19 nên lễ Khai giảng chuỗi học kỳ hôn nhân của bạn Khánh và Ánh chỉ có thể tiến hành trong nội bộ gia đình. Ngày hôm nay chúng ta đến đây để cùng chúc mừng cho buổi lễ sơ kết của hai bạn và chúc cho hai bạn cùng nắm tay nhau tiến bước, đoàn kết, thân ái trong những học kỳ tiếp theo".
Trên sân khấu phông đỏ và cột cờ, cô Ứng Thị Ngọc Dung, giáo viên chủ nhiệm thời học lớp 4 trường tiểu học Chu Văn An của chú rể Khánh và cô dâu Ánh cũng được mời tham dự với vai trò là một trong những khách mời chính. Cô Dung chia sẻ rất vui vì được gặp lại những phụ huynh và học trò của mình 26 năm trước.
"Một ngày có cậu học sinh vóc người nhỏ mà giọng rất to, đứng dưới lớp hét lên: 'Nguyệt Ánh, anh yêu em'. Cô và các bạn cười ầm. Sau một hồi bỗng im bặt, từng ánh mắt học trò ngạc nhiên, xen lẫn lo lắng, đợi bị cô mắng. Nhưng cô chỉ cười", cô Dung kể.
Cậu học sinh ấy chính là Nguyễn Quốc Khánh và cô bạn được tỏ tình là vợ anh hiện tại. Anh Khánh cho biết, thời đó thích Ánh vì cô bạn rất xinh, nhí nhảnh, vui tính. Khánh tấn công Ánh mạnh mẽ và luôn muốn tuyên bố "chủ quyền". Cứ bạn nam nào bén mảng Ánh, y rằng sẽ nhận được "chiến thư" hẹn đi đánh nhau.
Hồi tưởng về ngày ấy, Nguyệt Ánh nhớ rằng mình cũng xao xuyến với cậu bạn "đẹp trai và theo đuổi rất ác liệt". Cứ cách ngày, Khánh lại gửi bức thư rất dài và sến. Cũng có lần cô vứt thẳng thư vào sọt rác không đọc, ngay trước mặt cậu bạn, dù sau này đôi lúc hối hận vì hành động khiếm nhã thời thơ dại.
Người bạn thân nhất của Ánh, chị Tâm Lan kể rằng, ngày xưa Khánh ngồi sau toàn bí mật vuốt tóc Ánh. Vì Khánh là tổ trưởng, dọa sẽ trừ điểm thi đua nên Lan không dám mách bạn.
Lên cấp hai, mỗi người học một trường khác nhau. Một lần năm lớp 6, Khánh nhìn thấy Ánh đi ăn chè với một bạn nam khác, tối về liền gọi điện cho cô tra khảo. Cấp 3, có lần Ánh đang chờ xe bus để tới trường thì Khánh đạp xe qua, ngỏ ý đèo cô. Vài ngày tiếp theo, cậu học sinh trường Phạm Hồng Thái vẫn tiếp tục đưa cô bạn trường chuyên Amsterdam đi học. Nhưng rồi bỗng một ngày cậu biến mất.
Họ không có tin tức gì về nhau trong một thời gian dài. Năm nào Nguyệt Ánh cũng về thăm cô Dung và liên lạc được với nhiều bạn từng học cùng tiểu học, riêng Khánh biệt tích.
Năm 2020, trong group Facebook của lớp 4B trường Chu Văn An, cậu bạn Việt Anh đăng một bức ảnh, kèm dòng chữ: "Vô tình bớ được thằng bạn lưu lạc, liệu được mấy người nhớ hơm? Chắc có Ánh là thổn thức nhỉ". Ngay lập tức, bạn bè bình luận "nhìn ảnh không nhận ra nhưng nói đến Ánh thì đoán được ngay là Quốc Khánh".
Họ tái ngộ trong buổi họp lớp trù bị trước ngày đến thăm cô giáo. Hôm đó, Khánh được nghe Ánh hát cùng các bạn hát bài "Bác Hồ - Người cho em tất cả" - một ca khúc thiếu nhi hồi bé Ánh từng biểu diễn trước toàn trường và Khánh lên tặng hoa. Tim anh lại rung rinh trước sự nhí nhảnh, đáng yêu của cô.
Ngày gặp lại, Khánh tiết lộ lý do thời cấp 3 bỗng dưng biến mất là vì... sợ bị càm ràm. Hóa ra vào những ngày đèo Ánh đi học, Khánh bị cô bạn học sinh gương mẫu rao giảng suốt quãng đường rằng "phải chuyên tâm học hành, không được trốn học đi đá bóng, chơi điện tử nữa"... khiến cậu sợ.
"Khi gặp lại, bạn ấy vẫn nói nhiều như thế, nhưng tôi sau khi đã bị cuộc đời đập cho tơi tả thì thấy thấm những gì bạn ấy nói. Tôi tự nhủ biết thế ngày xưa nghe lời bạn ấy luôn thì đã không bỏ lỡ nhau", chú rể Khánh cười kể.
Tình yêu sống lại ở đôi bạn nay đều đã trưởng thành và trải qua đổ vỡ hôn nhân. Càng nói chuyện, họ càng thấy "như đã hẹn nhau từ kiếp trước". Mọi vết thương lòng, mọi suy nghĩ thầm kín nhất đều có thể tâm sự với nhau. "Chúng tôi thường xuyên buôn chuyện tới 2-3h sáng. Ở bên nhau, chúng tôi thấy vui vẻ, thoải mái, mỗi đứa đều được là chính mình", cặp đôi nói.
Thi thoảng Khánh hay than thở "Tại sao mình không gặp lại nhau sớm hơn?". Nguyệt Ánh phản biện: "Chưa chắc gặp lại nhau sớm đã là tốt. Phải đợi đến khi hai đứa đều trải qua nhiều thăng trầm, vấp ngã, mới nhận ra giá trị cuộc sống là gì, mình ở đâu, mình cần một người như thế nào để đồng hành, từ đó mới biết trân quý người ở cạnh, mới đủ nỗ lực vượt qua những điều khác nhau để dung hòa, thích nghi và bên nhau bền vững được".
Trong bữa tiệc "Reply 1996", rất nhiều "chứng nhân lịch sử" chuyện tình yêu của dâu rể cũng có mặt ôn lại kỷ niệm. Con trai và gái của Ánh và Khánh chúc bố mẹ: "Trăm năm hạnh phúc giống như bây giờ".
Vợ chồng anh Quốc Khánh cho biết, hôn lễ này là hiện thực hóa những gì đã ấp ủ từ lúc hai người ở bên nhau. Mỗi một chi tiết trong đám cưới, họ đều rất kỳ công chuẩn bị. Lấy chủ đề "Trở về 1996", họ đã sưu tầm từ chiếc máy đánh chữ, con lật đật của Nga, chăn con công, chiếc khăn trải bàn bằng nilon xanh đỏ...
"Mình tâm đắc nhất là chiếc ống bơ để đựng bi ve bày ở khu vực decor chụp ảnh cho bữa tiệc. Nó được một gia đình nhà hàng xóm dùng để đong gạo từ mấy chục năm trước cho đến nay, nên nhìn rất nhuốm màu thời gian. Chính sự bình thường, giản dị của nó lại làm nên giá trị đặc biệt mà những món đồ decor mới mẻ, đắt tiền không so sánh được", Ánh nói.
Các món ăn của bữa tiệc cũng được lên kịch bản và lựa chọn tỉ mỉ. Họ mời đến bữa tiệc của mình xe quẩy chuyên nghiệp để lăn bột, rán tại chỗ như xưa. Hàng cháo sườn, bánh giò, trứng vịt lộn là một tiệm đồ ăn vặt online lâu năm, nổi tiếng. Quầy kẹo bông, kẹo kéo cũng được làm tay trực tiếp tại chỗ. Họ mời cả bác bán tào phớ rất mịn và thơm hơn 30 năm ở phố Quán Thánh, nơi mà tuổi thơ hai người thường đến ăn.
"Sau nhiều ngày lòng vòng Hà Nội, chúng mình cũng tìm được một người bán bỏng ngô bằng quang gánh ở khu Hồ Gươm. Trả cô ấy 1,3 triệu đồng để mang gánh hàng đến bữa tiệc của bọn mình, mà cô còn tưởng bị lừa. Chúng mình phải thuyết phục mãi cô mới đồng ý để đi ôtô đến tận nơi đón cô cùng chiếc quang gánh đến điểm tổ chức", Nguyệt Ánh cười kể.
Hôn lễ để lại ấn tượng với khách tham gia. Nhiều người nói chưa từng được trải qua đám cưới nào đặc biệt đến vậy. Có lúc họ được cười nghiêng ngả, có lúc lại bồi hồi, rưng rưng vì những kỷ niệm cũ.
Khách mời Đặng Phương Linh cho biết, đây là đám cưới đầu tiên và có lẽ là duy nhất "dress code" (quy tắc trang phục) khách mời bị yêu cầu là áo sơ mi trắng, quần/váy đen và phải đeo khăn quàng đỏ suốt buổi tiệc. Đây là đám cưới đặc biệt khi không có tiết mục cắt bánh, chúc rượu vang hay tung hoa, trao nhẫn. Tất cả chỉ đơn giản là "ba điều bạn yêu nhất của đối phương, ba điều chưa hài lòng ở đối phương và ba điều tuyên thệ cho những học kỳ sắp tới của đôi bạn cùng tiến". Đây cũng là đám cưới "dị", khi menu tiệc không có xôi, gà, canh bóng, càng không phải nem công chả phượng. Tất cả chỉ đơn giản là những món ăn vặt mà bất cứ ai từng trải qua đời học sinh không thể nào quên.
"Cám ơn đám cưới có một không hai. Nhờ Quốc Khánh và Nguyệt Ánh mọi người đã được tặng vé trở về tuổi thơ, sống lại cảm giác nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Chúc chàng trai 9 tuổi năm nào dõng dạc tỏ tình trước lớp sẽ mãi nắm tay cô bạn bàn trên không rời", Phương Linh nói.
Xem thêm ảnh hôn lễ của cặp đôi Quốc Khánh - Nguyệt Ánh.
Phan Dương