Hơn 5 năm kể từ lần đầu gặp nhau ấy, Thái Duy Đức, 31 tuổi và Bùi Thị Chinh, 30 tuổi, đã nên vợ chồng.
"Khi hai đứa làm đám cưới, mọi người bảo chắc gì một người khỏe mạnh như cô ấy chịu sống với tôi lâu", Đức cười nói qua cuộc gọi video với phóng viên VnExpress, tay xoa lên bụng bầu của vợ.
Khi bị tai nạn lao động, ngã từ công trình cao 8 mét xuống đất năm 2015, Đức từng nghĩ cuộc đời mình đã chấm hết. Từ bụng xuống chân anh bị mất cảm giác, vệ sinh không chủ động, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ và bạn gái cũ. Nhưng biết Đức không còn cơ hội phục hồi, bạn gái ở gần nhà cũng tránh mặt anh.
"Nó bảo với tôi 'chắc con chết thôi mẹ ạ'. Hai mẹ con cứ thế ôm nhau khóc. Tôi bảo nó ngoài kia nhiều người mất tiền tỷ để được sống, sao con lại muốn chết?", bà Trần Thị Lương, 60 tuổi, mẹ Đức kể.
Đức bỏ ngoài tai lời mẹ, tuyệt thực 10 ngày, nhưng vẫn sống. "Không chết được, tôi nghĩ mình phải vươn lên mà sống cho tử tế", Đức nhớ lại. Một năm sau tai nạn, anh bắt đầu để ý đến ăn uống, sinh hoạt điều độ giúp vệ sinh có giờ giấc hơn, tập chủ động chăm sóc bản thân để không còn phụ thuộc mẹ. Lên mạng xã hội, Đức thấy có nhiều người khuyết tật khổ hơn mình, anh kêu gọi mọi người giúp đỡ bạn.
Chàng trai còn chạy xe ba bánh 12 km từ huyện Đơn Dương đến huyện Đức Trọng thăm một người bạn bị liệt tứ chi. Thấy bạn lở loét nằm một chỗ không người chăm sóc, anh kêu gọi trên mạng xã hội, đồng thời xin mẹ kinh phí, ngồi xe lăn đưa bạn đến bệnh viện ở TP HCM chữa trị. Về sau, mẹ con Đức đón người bạn liệt về nhà mình chăm sóc suốt hai tháng. Câu chuyện xúc động được nhiều tờ báo đưa tin, giúp anh thấy mình sống có ý nghĩa nên lạc quan, quên mình là người khuyết tật.
Ở Hà Nội, cô công nhân Bùi Thị Chinh được một người bạn cho xem những bài viết và phóng sự về Đức. Cô gái Phú Thọ mất mẹ từ nhỏ, luôn thấy mình bất hạnh, chẳng mấy khi cười.
"Hồi đó tôi 24 tuổi nhưng chẳng thiết yêu đương, cứ hay buồn bã, suy nghĩ tiêu cực", Chinh kể. Người bạn bảo với cô: "Nhìn người ta mà xem. Anh ấy liệt còn sống vui vẻ, biết giúp đỡ người khác thế này, mày lành lặn, khỏe mạnh, có gì mà phải chán nản".
Tò mò, Chinh kết bạn trên mạng xã hội với Đức, bài viết nào của anh cũng bấm "like", bình luận. "Tôi thấy anh khuyết tật nhưng viết gì cũng vui vẻ, hài hước. Đọc xong tôi cứ tủm tỉm cười", Chinh kể. Thấy cô gái chăm bình luận bài viết của mình, Đức chủ động "tấn công" qua tin nhắn.
"Ngày nào anh cũng nhắn tin hỏi thăm, nhắn nhiều lắm. Tui nghĩ thầm cha này hâm, nói gì mà nói lắm vậy", cô nói, mắt nhìn chồng đang cười. Nhưng Chinh thừa nhận, đọc tin nhắn, trò chuyện với Đức trở thành thói quen, giúp cô vui cười mỗi ngày rồi yêu lúc nào chẳng hay. "Hồi đó, con trai của giám đốc công ty cũng có ý với tôi, hay rủ đi chơi nhưng tôi không thích, chỉ muốn nói chuyện với anh Đức", Chinh nói.
Qua tin nhắn, chàng trai cảm nhận Chinh là cô gái dễ thương và vô tư. "Nụ cười của cô ấy như luồng gió mát giúp những cơn đau của tôi dịu lại", Đức nói.
Sau ba tháng nhắn tin, Đức hẹn bạn gái sẽ ra Hà Nội thăm, nhờ đón ở sân bay. Lần đó, Chinh xin nghỉ làm một tuần để đưa Đức đi chơi. Nhưng hết một tuần, cô gái muốn xin nghỉ hẳn, vì muốn ở bên chàng trai cả đời.
Một tuần ra Hà Nội, dù đã chủ động trong sinh hoạt nhưng vẫn có những bất tiện một người ngồi xe lăn như Đức không thể xử lý. Anh thuê phòng nghỉ, nhưng nhà tắm không có lối cho xe lăn đi vào. Thấy bạn trai loay hoay, Chinh bế anh vào nhà tắm không chút đắn đo, ngượng ngùng. "Khoảnh khắc đó, tôi biết cô ấy thương mình thật lòng, nhưng lo sợ. Một người từng yêu mình hai năm còn sẵn sàng bỏ rơi khi mình tai nạn dễ gì một cô gái vừa xuất hiện trong tình cảnh này muốn gắn bó với mình cả đời", anh nghĩ.
Đức đề nghị Chinh về quê mình sống cùng vài tháng để hiểu sống với người khuyết tật khó khăn thế nào. Anh cũng nói rõ để Chinh hiểu mình không còn khả năng đàn ông.
Bất chấp những điều bạn trai chia sẻ, cô gái xin thôi việc, gọi điện thông báo với gia đình quyết định của mình. Mọi người đều phản đối. Bố Chinh cho con gái hai lựa chọn "hoặc là tao hoặc là thằng đó". Khi hai người xin về thưa chuyện, ông bảo "mày thích thì về, nhưng thằng đó không được về".
Cô gái nhiều đêm rơi nước mắt, nhưng chọn đi theo tiếng gọi của tình yêu. "Tôi tin nếu mình hạnh phúc, bố và các anh chị em sẽ thay đổi suy nghĩ", Chinh nói.
Về nhà Đức, cô gái theo mẹ anh ra đồng cắt cỏ, phụ vắt sữa cho bò. Chinh không nề hà chăm sóc bạn trai những lúc anh không thể kiểm soát. "Nhìn cách mà Chinh chăm sóc con tôi, cố gắng hòa nhập với cuộc sống ở đây, tôi tin vào tình cảm của hai đứa", bà Trần Thị Lương nói.
Chinh mất mẹ từ bé, xa quê lâu ngày nên khi được mẹ Đức chăm chút, được ăn bữa cơm ba người, cô vui như về nhà. "Anh và mẹ như mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời tôi", Chinh nói.
Chỉ hai tháng sau thử thách làm dâu, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Đám cưới chỉ có người nhà trai. Lấy vợ, Đức bắt đầu công việc kinh doanh để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nàng dâu phụ mẹ chồng nuôi bò lấy sữa.
"Nhiều người nghĩ tôi lấy anh là thiệt thòi nhưng tôi thấy ngược lại. Tôi chỉ việc sống cuộc sống vô ưu, khỏe thì làm, mệt thì nghỉ. Những việc lớn trong nhà, anh và mẹ đều lo toan, gánh vác thay", Chinh nói.
Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được bệnh viện Mỹ Đức (ở TP HCM) hỗ trợ làm thụ tinh ống nghiệm để sinh con. Chinh đang mang thai ở tháng thứ 6.
Mang bầu, hai tháng liền Chinh phải nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Mẹ bận chăm lo đàn bò nên trên chiếc xe lăn, Đức nấu cơm, giặt giũ, lo mọi việc trong nhà. "Anh lúc nào cũng gọi vợ, bảo ăn hết thứ này đến thứ khác, cần gì đáp ứng tận tay. Nhiều người lấy chồng khỏe mạnh, chắc gì đã được yêu chiều, chăm chút như tôi", cô nói.
Năm ngoái, đôi vợ chồng, với sự giúp sức của mẹ, đủ tiền xây ngôi nhà mới đủ tiện nghi và trang trại bò sữa, sau 5 năm chăm chỉ làm việc.
Bà Lương cho biết, từ ngày Chinh về làm dâu, con trai bà vui vẻ, lạc quan, biết vun vén hơn cho gia đình. "Sau đám cưới của các con, mọi thứ trong gia đình tôi đều tốt đẹp lên. Là người mẹ, tôi mãn nguyện lắm", bà nói.
Nhìn con gái có cuộc sống êm đềm, đủ đầy, bố và các anh chị em của Chinh đã dần thay đổi suy nghĩ. Năm ngoái, chàng rể Lâm Đồng lần đầu cùng vợ về Phú Thọ ra mắt, ăn bữa cơm đoàn tụ.
Bạn bè khuyết tật ngưỡng mộ Đức và hỏi anh bí quyết gìn giữ hôn nhân. Đức nói với họ, khi quyết tâm vực dậy, anh xác định phải quên mình là người khiếm khuyết, sống, suy nghĩ như một người bình thường thì mới mạnh dạn và chủ động trong tình yêu lẫn cuộc sống.
Vợ chồng anh quan niệm tình dục rất quan trọng trong hôn nhân, nhưng không phải thứ duy nhất quyết định hạnh phúc. "Với chúng tôi, chỉ cần ôm nhau, hôn nhau, dành sự chăm sóc, yêu thương chân thành cho nhau thì đã đủ hạnh phúc rồi", anh Đức miệng nói, tay đỡ cốc nước cam vợ vừa pha cho, nhìn cô trìu mến.
Phạm Nga