"Ngay cả Covid-19 cũng không thể ngăn lãnh đạo hai bên giữ liên lạc", Đại sứ Singapore tại Việt Nam Catherine Wong nói về cuộc điện đàm hồi tháng 5 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong cuộc phỏng vấn với VnExpress tại nhà riêng ở Hà Nội cuối tháng 7. "Hai lãnh đạo đã thảo luận về cách chúng ta có thể tăng cường hợp tác song phương, đặc biệt là khi tất cả các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với thách thức".
Singapore và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược năm 2013. Thương mại song phương năm ngoái đạt 22,7 tỷ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại. Ngoài ra, Việt Nam xuất các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả nhưng thị phần không lớn.
Singapore là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba sau Hàn Quốc và Nhật Bản, chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.
Bà Wong cho biết Việt Nam - Singapore đã hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực truyền thống như thương mại, đầu tư, tài chính, giáo dục và du lịch nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực khác để khai thác, như thương mại nông nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, công nghệ, thăm dò năng lượng, cơ sở hạ tầng, giải pháp đô thị, thương mại điện tử.
"Tôi rất ấn tượng về chất lượng của một số nông sản Việt Nam như trái cây, hải sản, các loại hạt và gạo. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam được xuất khẩu sang Singapore. Hồi tháng 6, vải thiều Việt Nam đã lên kệ các siêu thị ở Singapore và được đón nhận rất tích cực", đại sứ nói.
Bà Wong cho biết thêm các công ty Singapore rất muốn hợp tác với Việt Nam để phát triển đô thị thông minh bền vững và các nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời hay khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong lĩnh vực công nghiệp, các công ty Singapore có thể giúp phát triển các giải pháp tự động hóa hay robot và điều này sẽ giúp ích trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
Năm ngoái, Singapore mở rộng mạng lưới Liên minh Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu (Global Innovation Alliance) đến TP HCM, mở ra cơ hội hợp tác giữa startup của Singapore và Việt Nam. Singapore có các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, công nghệ y tế.
"Đây là những lĩnh vực tiềm năng mà các công ty Singapore hy vọng có thể đến Việt Nam để tìm đối tác phù hợp", bà Wong nói.
Giáo dục là một trong những trọng tâm hợp tác giữa hai nước. Khoảng 10.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Singapore. Bộ Giáo dục Singapore đang tiếp tục trao học bổng ASEAN cho học sinh trung học và sinh viên các nước trong khu vực. Các công ty tư nhân ở Việt Nam cũng đang hợp tác với các trường đại học ở Singapore để trao học bổng sau đại học.
Năm ngoái, Phó thủ tướng Singapore công bố Chương trình Sẵn sàng Tiếp xúc châu Á (Asia Ready Exposure Programme), khuyến khích học sinh, sinh viên từ các trường cao đẳng nghề và đại học Singapore đến các thành phố ASEAN, Trung Quốc và Ấn Độ trong các chương trình thực tập, trải nghiệm. "Việt Nam luôn là điểm đến nhiều học sinh, sinh viên Singapore lựa chọn", Đại sứ cho biết.
"Chúng tôi hy vọng những chương trình trao đổi như thế này có thể tiếp tục, không chỉ sinh viên Singapore đến Việt Nam mà thêm nhiều sinh viên Việt Nam sẽ đến Singapore", bà Wong nói thêm.
Hồi tháng ba, Singapore thông báo sẽ đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy trung học cơ sở và trước đại học từ năm 2021. Đại sứ Wong đánh giá việc đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy làm tăng sự quan tâm cũng như tiếp xúc của học sinh Singapore với ngôn ngữ này, từ đó thúc đẩy giao lưu nhân dân.
"Khi đến Việt Nam, ngôn ngữ không chỉ giúp họ dễ hiểu văn hóa ở đây hơn mà còn hỗ trợ họ có nhiều tương tác và phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa hơn", bà nói.
"Tiếng Việt rất khó. Tôi đã làm việc ở Việt Nam 4 năm nhưng vẫn chưa thể nói được tiếng Việt lưu loát dù tôi có thể hiểu nhiều hơn nói. Tôi cho rằng ngôn ngữ luôn rất hữu ích nếu bạn thực sự muốn hiểu một đất nước, văn hóa, xã hội và con người nước đó", theo đại sứ.
Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của Việt Nam, Singapore và các nước ASEAN khác. Căng thẳng ở Biển Đông tăng nhiệt khi Trung Quốc thời gian qua đã triển khai loạt hoạt động gây hấn như điều tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rồi bám theo tàu khoan của Malaysia.
Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các yêu sách và hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ và Australia gần đây tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" trên Biển Đông của Trung Quốc là "bất hợp pháp" và "không phù hợp" với luật pháp quốc tế. Trong công hàm gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 29/7, Malaysia cũng bác "quyền lịch sử" liên quan đến "đường chín đoạn".
Bà Wong nhấn mạnh Singapore không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông và không đứng về bên nào trong vấn đề yêu sách chủ quyền. "Nhưng chúng tôi là một quốc gia nhỏ mà sự sống còn của nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại, do đó, mối quan tâm của chúng tôi đối với vấn đề Biển Đông chủ yếu là duy trì hòa bình, ổn định khu vực để các nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển", bà nói.
Đại sứ cho biết thêm Singapore cũng quan tâm đến tự do hàng hải và hàng không và hy vọng các nước liên quan tới các tranh chấp trên Biển Đông sẽ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các nước ASEAN cũng như Trung Quốc để đưa ra bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất nhằm hướng tới giải quyết tranh chấp ở Biển Đông", bà nói.
Phương Vũ