Từ đầu tháng 6, Chính phủ Singapore bắt đầu giảm dần các hạn chế do Covid-19 và cho phép hơn ba phần tư hoạt động kinh tế mở cửa trở lại. Thời điểm ấy, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tại nước này ổn định ở mức một con số. Chưa đầy một tháng sau, Singapore bước vào giai đoạn hai của tái mở cửa an toàn. Chính phủ vẫn kêu gọi doanh nghiệp duy trì các biện pháp cần thiết và khuyến khích cư dân tiếp tục nâng cao cảnh giác phòng chống dịch.
Hương Anh - một trong những người Việt ở lại Singapore trong thời gian giãn cách xã hội để chăm người thân chữa bệnh - cho biết không quá lo lắng vì cách Chính phủ và người dân nước này đồng lòng chống dịch. Cô và hầu hết người Việt vẫn tuân thủ các biện pháp an toàn, theo dõi tin tức về Covid-19 ở cả Việt Nam lẫn Singapore. Hương Anh cũng được cộng đồng người Việt hỗ trợ chỗ ở, đồ ăn và san sẻ vật tư y tế.
Anh Nguyễn Hoàng Long - nhân viên một công ty xây dựng tại Singapore - cho hay: "Cuộc sống vẫn chưa thay đổi nhiều, vì Singapore mở cửa lại khá thận trọng. Nhưng mình không quá lo lắng vì cộng đồng giờ đây có ý thức. Mọi người tự giác giữ khoảng cách an toàn và chú trọng vệ sinh cá nhân, bảo vệ sức khỏe".
Theo anh Hoàng Long, lý do anh an tâm tiếp tục sinh sống và công tác tại Singapore là cách chính phủ thông tin minh bạch số ca nhiễm. Bên cạnh đó, Đảo quốc cũng áp dụng nhiều công nghệ phòng chống dịch tiên tiến, điển hình là quét mã QR tại các trung tâm thương mại, máy ATM phát khẩu trang y tế, các Đại sứ SG Clean ở nơi công cộng nhắc nhở giữ khoảng cách và vệ sinh...
Nguyễn Thanh Hà - nhân viên một công ty lớn tại Singapore - cho biết cuộc sống của cô không thay đổi quá nhiều trừ việc hạn chế đến nơi đông người khi không cần thiết. Trong thời dịch, cô vẫn nhận lương đều đặn và được cơ quan chức năng sở tại hỗ trợ. Mỗi ngày, cô lên mạng học thêm kiến thức, hoàn thành các bài test năng lực mà công ty giao phó.
"Hàng tuần công ty tôi vẫn đưa bài kiểm tra, cung cấp kiến thức để nhân viên học hỏi. Tôi thấy mình may mắn vì vẫn giữ được công việc và mức lương ổn định như trước dịch", Thanh Hà nói. Bên cạnh đó, cô gái Việt còn có thêm thời gian nấu những món ăn mới, tập thể dục, xem phim.
Tương tự các đồng hương, Mai Thi - nhân viên một công ty dịch vụ - cho rằng trong cái rủi cũng có cái may, mọi người có thêm thời gian cho bản thân, làm những việc yêu thích mà trước kia không có thời gian, bận rộn công việc. Ngoài ra, cô thấy ấm lòng khi được Chính phủ sở tại nhiều lần tặng khẩu trang kháng khuẩn (có thể tái sử dụng) và 500 ml nước rửa tay khi dịch diễn biến phức tạp.
Thời dịch, người Việt tại Singapore cũng yêu thương, đùm bọc nhau hơn. Mai Thi, Thanh Hà cũng cho biết tại Singapore có khá nhiều nhóm từ thiện hoạt động, kêu gọi quyên góp tiền, hiện vật nhằm giúp người gặp khó khăn do dịch bệnh, hỗ trợ người Việt sang du lịch không thể về nhà. Người đang chữa bệnh được hỗ trợ đồ ăn, chỗ ở. Nhiều nhà hàng Việt cũng nấu những suất cơm miễn phí hoặc bán giá rẻ cho đối tượng đang gặp khó khăn.
Lê Hanh - phiên dịch viên đang sinh sống tại Hà Nội - cho hay đọc tin tức mỗi ngày để nắm bắt tình hình ở cả Việt Nam và Singapore. Anh có em gái đang sinh sống tại nước bạn, cũng làm việc tại nhà suốt thời gian qua.
"Tôi mừng vì đọc được tin Chính phủ Singapore và Việt Nam đang thảo luận việc từng bước mở cửa lại các đường biên giới. Tôi tin Singapore sẽ đẩy lùi dịch, cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường. Gia đình tôi mong ngày được sang thăm em gái", Lê Hanh nói thêm.
Thận trọng quay lại nhịp sống thường ngày
Rất nhiều người Việt cho biết ấn tượng với các biện pháp nâng cao mà Singapore đang áp dụng để đưa đất nước từng bước mở cửa trở lại. Bộ trưởng Phát triển Quốc gia - ông Lawrence Wong - cho biết tái mở cửa không đồng nghĩa với "chủ quan, lơ là mất cảnh giác". Theo ông, lực lượng nhân viên thực thi của Chính phủ sẽ tiếp tục đảm bảo các quy tắc giữ khoảng cách an toàn tại nơi công cộng.
Ngay cả khi cuộc sống đang dần trở lại bình thường, các đại sứ SG Clean vẫn sẽ tuần tra và nhắc nhở nếu có trường hợp vi phạm các biện pháp giãn cách an toàn. Bên cạnh đó, Chính phủ liên tục tiến hành nhiều đợt kiểm tra giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn. Người vi phạm lần đầu sẽ bị phạt tới 10.000 SGD, tù tới 6 tháng hoặc phải chịu cả hai hình phạt trên. Người vi phạm nhiều lần có thể bị phạt tới 20.000 SGD, tù tới 12 tháng hoặc chịu cả hai hình phạt trên.
Khi vào siêu thị, người dân sẽ phải sử dụng mã QR để giới chức biết giờ ra vào nhằm khoanh vùng người bị dịch. Theo Lim Gina - nhân viên tại Singapore: "Nếu trường hợp có một người nhiễm bệnh, đội ngũ chống dịch có thể khoanh vùng và nắm rõ người cùng đi siêu thị giờ đó, từ đấy có biện pháp cách ly, chữa trị".
Các trung tâm thương mại và cửa hàng bán lẻ cũng áp dụng nhiều biện pháp an toàn khi hoạt động trở lại trong giai đoạn hai. Chỉ sau một tuần hoạt động, lượng khách mua sắm tăng vọt lên 80% tại các trung tâm thương mại lớn. Chuỗi thời trang H&M đã đánh dấu khu vực xếp hàng lên sàn nhà và đặt nhiều biển nhắc nhở khách đứng cách nhau ít nhất một mét.
Thi Quân