Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng số người chết ít giúp Singapore trở thành quốc gia chống Covid-19 thành công dù ghi nhận hơn 16.000 ca nhiễm nCoV, nhiều nhất Đông Nam Á và thứ tư châu Á, bởi mục đích chính của các biện pháp y tế cộng đồng vẫn là cứu sống người dân.
Tỷ lệ tử vong vì nCoV tại Singapore là 0,85/1.000 ca nhiễm. Trong khi đó, tỷ lệ này tại nước láng giềng Malaysia là 17 và Indonesia là 84 và tỷ lệ trung bình toàn cầu là 70. Bỉ là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới với 153 người chết/1.000 ca nhiễm. Tỷ lệ tại Mỹ và Trung Quốc khoảng 56.
Số người chết vì nCoV tại Singapore cũng thấp hơn nhiều so với Mexico và Nhật Bản, hai nước ghi nhận số ca nhiễm tương đương, nhưng báo cáo lần lượt 1.305 và 372 người chết.
Giới chuyên gia cho rằng tỷ lệ tử vong do nCoV tại Singapore thấp vì nhiều lý do. Đầu tiên, hầu hết ca nhiễm ở nước này là người trẻ tuổi, chủ yếu là lao động nhập cư thu nhập thấp sống trong những khu ký túc xá lớn, chiếm hơn 90% số ca nhiễm gần đây.
Bộ Y tế Singapore đã ngừng cung cấp dữ liệu về độ tuổi các ca nhiễm, nhưng giới chức nhấn mạnh rằng hầu hết họ đều trẻ, nhiều người chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Singapore, đánh giá những trường hợp đó đã "làm loãng" tỷ lệ tử vong của đất nước.
Singapore có khoảng 323.000 lao động nhập cư sống tại các khu ký túc đặc biệt, làm việc trong một số ngành như xây dựng, bảo trì công trình và sản xuất. Ngày 1/4, những ký túc xá này mới ghi nhận 19 ca nhiễm nCoV, nhưng đến hôm 26/4, số ca nhiễm ở đây đã tăng lên 11.419.
Do hầu hết người nhiễm nCoV trong các ký túc xá chỉ mang triệu chứng nhẹ, họ được điều trị trong những cơ sở cách ly cộng đồng thay vì bệnh viện, giúp các cơ sở y tế không bị quá tải và có thể chăm sóc tốt hơn cho những trường hợp nguy kịch.
Lý do thứ hai giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong là những người cao tuổi mắc bệnh mạn tính, đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch, đã tuân thủ yêu cầu ở nhà của chính phủ nhằm giảm nguy cơ nhiễm virus. Ngoài những bài phát biểu thường xuyên trên truyền hình quốc gia, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tháng này còn đưa ra lời kêu gọi riêng tới những người cao tuổi, khuyến cáo họ không ra ngoài.
Soh Lai Hoe, 94 tuổi, là một trong số những cư dân chú tâm đến lời kêu gọi của Thủ tướng. Bà sống với các con và không bước chân khỏi nhà kể từ tháng 3, thời điểm quốc đảo ban lệnh phong tỏa một phần. Trước khi đại dịch bùng phát, bà Soh thường ra ngoài tập thể dục hai lần một tuần. Giờ đây, bà thực hiện hoạt động này ngay tại nhà.
Paul Tambyah, chủ tịch Hiệp hội Vi sinh và Truyền nhiễm Y học châu Á Thái Bình Dương ở Singapore, cho biết vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu xuất hiện thêm nhiều ca nhiễm nCoV tại các viện dưỡng lão hoặc trong số những người cao tuổi, bởi họ cần chăm sóc y tế nhiều hơn.
5 viện dưỡng lão của Singapore hiện ghi nhận khoảng 20 ca nhiễm nCoV trong số những nhân viên và người cao tuổi tại đây. Trong khi đó, các viện dưỡng lão ở 36 bang của Mỹ báo cáo khoảng 11.000 ca tử vong vì Covid-19, theo NBC. "Thật may khi tỷ lệ người già của chúng tôi thấp hơn nhiều so với Italy hoặc Tây Ban Nha", Tambyah cho hay.
Gần 1/4 dân số Italy trên 65 tuổi và hơn 1/3 số ca nhiễm nCoV tại nước này trên 70 tuổi, trong đó nhiều người cần chăm sóc tích cực. Italy ghi nhận hơn 27.000 người chết vì Covid-19, tương đương tỷ lệ tử vong 12,9%. Tại Singapore, độ tuổi trung bình của 12 ca tử vong tính đến ngày 22/4 là 78.
Một lý do khác giúp Singapore thành công trong việc giảm thiểu số người tử vong vì nCoV là họ đảm bảo đủ thiết bị điều trị cho những ca nghiêm trọng hơn, chuyên gia Leong nhận định. Các trường hợp nhẹ đang được chăm sóc tại những cơ sở cộng đồng, giúp giảm gánh nặng lên hệ thống bệnh viện.
Leong cho biết thêm rằng đội ngũ nhân viên y tế Singapore còn học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác và làm quen dần với phương pháp điều trị. Truyền thông địa phương gần đây đưa tin Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, nơi xử lý hầu hết trường hợp nghiêm trọng, đang để bệnh nhân nằm sấp, sau khi một nghiên cứu cho thấy tư thế này giúp bệnh nhân cần hỗ trợ ít oxy hơn so với nằm ngửa.
"Chúng tôi học hỏi kinh nghiệm và tiến bộ hơn. Chính phủ cũng chủ động phân loại bệnh nhân trước khi số ca nhiễm tăng vọt, giúp dành nguồn lực cho những ca nặng", Leong cho hay.
Jeremy Lim, phó giáo sư Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đánh giá yếu tố chủ chốt là hệ thống chăm sóc sức khỏe đã không bị quá tải bởi những bệnh nhân cần chăm sóc tích cực. Số bệnh nhân được điều trị tích cực trên toàn quốc tăng lên 32 vào ngày 10/4, nhưng sau đó giảm xuống còn 22.
Lim nhận xét Singapore rõ ràng sở hữu "một hệ thống y tế vững chắc và đáng tin cậy", nhưng nói thêm rằng phương pháp của họ không có gì khác biệt so với những quốc gia khác.
"Đội ngũ nhân viên y tế của chúng tôi vẫn tiến hành những việc họ luôn làm, bao gồm chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân, không chỉ xử lý những vấn đề liên quan đến bệnh, mà còn chủ động tối ưu hóa các khía cạnh sức khỏe khác như dinh dưỡng và vận động", ông nói.
Ánh Ngọc (Theo SCMP)