"Gần đây, tôi nhận được bức thư qua đường bưu điện, với lời kêu gọi lên án quê nhà và hành động của Tổng thống Nga. Tôi còn được khuyến nghị liên lạc với văn phòng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nếu sẵn sàng chấp nhận đề xuất", Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói trong chương trình được phát sóng trên truyền hình Nga tối 7/6.
Ông Antonov nói thêm rằng đại sứ quán Nga đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích về vấn đề này.
"Tôi không nghĩ đại sứ Mỹ hoặc các nhà ngoại giao Mỹ tại Moskva sẽ nhận được bất kỳ bức thư nào kiểu này, điều mà tôi cho là khiêu khích. Khi tôi thấy truyền thông Mỹ kêu gọi quân nhân và nhà ngoại giao Nga phản bội quê nhà, tôi không thể chấp nhận nổi", ông nhấn mạnh.
Theo nhà ngoại giao này, một số người túc trực bên ngoài đại sứ quán Nga để phát thẻ có số điện thoại, mời nhân viên của sứ quán "liên lạc với đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI)". Ông không thể nói chắc chắn liệu những người đó thực sự là đặc vụ hay đơn thuần chỉ là những người phản đối Nga.
Washington hiện chưa bình luận về vấn đề này.
Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô, sau này là Nga, từ năm 1933. Mối quan hệ được duy trì ngay cả trong những thời điểm căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh, nhưng đang ngày càng xấu đi liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Mỹ đã dẫn dắt đồng minh áp loạt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và còn liên tục viện trợ vũ khí cho Ukraine, bất chấp Moskva cảnh báo động thái này có thể dẫn tới đối đầu trực tiếp.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 3 cáo buộc người đồng cấp Nga Vladimir Putin là "tội phạm chiến tranh", khiến Moskva giận dữ cảnh báo quan hệ hai nước có thể "bên bờ vực sụp đổ". Nga tháng trước cũng tuyên bố Mỹ là một trong số các quốc gia thù địch.
Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan hôm 6/6 bác khả năng Washington và Moskva cắt hoàn toàn quan hệ, nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục tương tác bất chấp có nhiều mâu thuẫn.
Huyền Lê (Theo TASS)