"Chúng tôi coi đây là động thái cực kỳ tiêu cực. Mọi nỗ lực nhằm mô tả đây là quyết định 'kiềm chế' đều vô dụng. Thực tế là Mỹ đang dẫn đầu hàng loạt quốc gia bơm vũ khí cho Ukraine", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hôm nay, đề cập tới thông tin Washington có thể cung cấp pháo phản lực M142 HIMARS cho Kiev.
Thứ trưởng Ryabkov cũng cảnh báo những đợt viện trợ vũ khí cho Ukraine có thể làm gia tăng nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Nga và Mỹ.
"Chúng tôi từng nhiều lần mô tả loạt hành động này là kế hoạch tiến hành chiến tranh đến người Ukraine cuối cùng. Đó là điều chưa từng có tiền lệ và rất nguy hiểm", ông nói và cáo buộc Mỹ "không làm gì" để tìm giải pháp xử lý khủng hoảng Ukraine.
Phát biểu được đưa ra sau khi quan chức Mỹ giấu tên hôm 31/5 cho biết nước này sẽ gửi hệ thống pháo phản lực HIMARS đến Ukraine. "Các hệ thống pháo phản lực HIMARS sẽ được sử dụng để đẩy lùi bước tiến của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Chúng sẽ không được dùng để tấn công lãnh thổ Nga", quan chức này cho hay.
Tổng thống Joe Biden trước đó nói rằng Mỹ sẽ không chuyển cho Ukraine những hệ thống rocket có khả năng tấn công mục tiêu trong lãnh thổ Nga.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng các hệ thống pháo phản lực như HIMARS sẽ mang đến lợi ích rõ ràng cho quân đội Ukraine. Đây là các vũ khí hiện đại, bổ sung đáng kể năng lực tác chiến cho quân đội Ukraine, trong bối cảnh lực lượng này chỉ vận hành các loại pháo phản lực từ thời Liên Xô.
Tuy nhiên, đạn rocket dẫn đường và tên lửa ATACMS của tổ hợp HIMARS không phù hợp để phóng theo loạt lớn nhằm vào mục tiêu phân bố trên khu vực rộng, như các đơn vị bộ binh được Nga triển khai ở vùng Donbass, miền đông Ukraine.
Mỗi xe phóng M142 HIMARS mang được 6 quả đạn cỡ nòng 227 mm. Đạn dẫn đường M30/M31 có tầm bắn 70 km, trong khi mẫu M26 không dẫn đường chỉ có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách tối đa 45 km. Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng pháo phản lực hạng nặng BM-27 với tầm bắn 35 km và BM-30 có khả năng uy hiếp mục tiêu từ khoảng cách 70 km.
Vũ Anh (Theo Ria Novosti)