"Thời gian thực sự quan trọng với người dân Myanmar. Chúng ta cần cứu những người dân vô tội. Vì vậy tôi tiếp tục yêu cầu, kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện các biện pháp mạnh nhất có thể để ngăn bạo lực và bảo vệ người dân Myanmar", đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun trả lời phỏng vấn Nikkei Asia hôm 1/4.
Đại sứ Kyaw Moe Tun kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng hỗ trợ, bảo vệ người dân Myanmar "khỏi những tội ác chống lại loài người do quân đội gây ra". Các biện pháp bảo vệ gồm viện trợ nhân đạo, thiết lập vùng cấm bay, cắt nguồn tài chính cho chính phủ quân sự và ngừng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây cũng là những điều được ông Tun nêu trong thư gửi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 29/3.
Trước lo ngại của các quan sát viên quốc tế rằng lệnh trừng phạt kinh tế Myanmar có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của người dân, đại sứ Tun đã nêu ra tính cấp bách và nghiêm trọng của tình hình ở Myanmar hiện nay.
"Ảnh hưởng chắc chắn sẽ có, vì vậy chúng tôi đề nghị các lệnh trừng phạt ở mức tối thiểu. Giữa tác động kinh tế và giải cứu người dân, vấn đề kinh tế có thể giải quyết sau", đại sứ Myanmar nhấn mạnh.
Kể từ khi nổ ra đảo chính đầu tháng 2, Myanmar đã rơi vào chuỗi ngày hỗn loạn khi đám đông biểu tình liên tục xuống đường phản đối chính quyền quân sự. Lực lượng an ninh Myanmar đã trấn áp mạnh tay, khiến hơn 500 người thiệt mạng.
Bên cạnh các cuộc biểu tình trong nước, quân đội Myanmar cũng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi cuối tháng trước đã tuyên bố đình chỉ các dự án viện trợ cho Myanmar, trong khi công ty Đức dừng xuất khẩu nguyên liệu in tiền cho quốc gia này.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun bị chính quyền quân đội sa thải sau bài phát biểu tại Đại hội đồng kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" để phản đối đảo chính. Quân đội Myanmar cáo buộc hành động của ông Tun là "phản quốc" và phát lệnh bắt ông này hôm 18/3.
Tuy nhiên, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố vẫn công nhận ông Tun. Liên Hợp Quốc cũng có lập trường tương tự, khẳng định mọi thách thức nhằm vào vị trí của ông Tun phải được giải quyết tại ủy ban chứng nhận của cơ quan này.
Ngọc Ánh (Theo Nikkei Asia/Reuters)