Hãng tin DVB cho biết Quân đội Độc lập Kachin (KIA), một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất Myanmar, đã giết chết ít nhất 20 binh sĩ và phá hủy 4 xe tải của quân đội chính phủ trong cuộc giao tranh tại bang Kachin, miền bắc nước này.
Máy bay quân sự của Myanmar cũng được cho là đã ném bom vào khu vực của một nhóm nổi dậy khác là Liên minh Quốc gia Karen (KNU), khiến hàng nghìn người khu vực này phải sơ tán, trong đó có nhiều người tới Thái Lan.
Chính quyền quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về thông tin.
Cuộc đảo chính hôm 1/2 đã dẫn tới lời kêu gọi đoàn kết giữa những người phản đối chính phủ quân sự và các nhóm dân tộc vũ trang ở Myanmar, vốn kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ rộng lớn ở biên giới.
Quân Giải phóng Quốc gia Ta'ang (TNLA), Quân đội Liên minh Dân chủ Dân tộc Myanmar và Quân đội Arakan đã tuyên bố chấm dứt lệnh ngừng bắn với quân đội và nhiều khả năng đứng về phía người biểu tình.
Theo tuyên bố trên kênh truyền hình nhà nước Myanmar, quân đội kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số "giữ hòa bình" và cho biết quân đội sẽ "đơn phương ngừng bắn từ ngày 1/4 đến 30/4". Tuyên bố nhấn mạnh lệnh này không áp dụng với "những kẻ phá rối an ninh" của chính phủ.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener hôm 31/3 kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động nhanh chóng, cảnh báo nguy cơ nội chiến và một cuộc "tắm máu" sắp xảy ra ở Myanmar.
Đặc phái viên Burgener cho rằng quân đội Myanmar đang gia tăng hành động trấn áp biểu tình, trong khi các nhóm dân tộc vũ trang ngày càng có quan điểm chống đối rõ ràng, làm tăng nguy cơ "xảy ra nội chiến quy mô chưa từng có".
Myanmar đang rơi vào chuỗi ngày căng thẳng hậu đảo chính, khi đám đông biểu tình liên tục xuống đường phản đối chính phủ quân sự. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), ít nhất 520 người đã chết trong các cuộc biểu tình hai tháng qua.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)