Nhờ phản ứng mạnh mẽ và dữ liệu rõ ràng, trong 250 ngày hòn đảo không có bất cứ ai nhiễm virus. Với thành công đó, Đài Loan vận động hành lang để tham dự cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) với khẩu hiệu "Đài Loan có thể hỗ trợ".
Song giờ đây, tình thế đã thay đổi. Đợt bùng phát bắt nguồn từ chuỗi lây nhiễm hồi tháng 4 lan khắp hòn đảo. Đài Loan trở thành ví dụ rõ nét về hậu quả của việc ngủ quên trên chiến thắng thời kỳ đại dịch, điều mà nhà chức trách không ngờ đến.
Tới nay, hòn đảo ghi nhận 12.000 ca nhiễm và 361 trường hợp tử vong, hơn 90% trong đó là vào tháng 5, tháng 6. Bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu hụt vaccine toàn cầu, Đài Loan mới tiêm phòng cho 3% trong tổng 23,5 triệu dân.
Theo chuyên gia sức khoẻ và xã hội học, sau thời kỳ yên bình, Đài Loan chưa kịp cập nhật kiến thức khoa học mới về các biến thể nguy hiểm, đặc tính lây trong không khí của virus, phương pháp xét nghiệm diện rộng. Hòn đảo cũng không học hỏi từ thành tựu của các nước phong tỏa sớm. Một số người cho rằng Đài Loan đã tự mãn, cuối cùng trở thành "nạn nhân trên chính thành công của mình".
Giáo sư Trần Kiến Nhân, trung tâm nghiên cứu gene Academia Sinica, cho biết nhà chức trách nghĩ họ đã chiến thắng Covid-19 bằng cách truy vết và xét nghiệm. Tuy nhiên, biến thể Alpha, lần đầu xuất hiện ở Anh, khiến hệ thống y tế choáng ngợp sau cụm dịch siêu lây nhiễm ngày 9/5.
Ông Trần nói: "Chúng tôi nghĩ đã chặn đứng virus ở quy mô nhỏ, song nó thực sự rất nguy hiểm".
Trung tâm Chỉ huy Chống dịch Đài Loan (CECC) đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia quốc tế để duy trì thành quả, cập nhật chiến lược và giám sát các nguồn lực sẵn có. Song đại diện cơ quan thừa nhận: "Dù đã kiểm soát biên giới hiệu quả, đáng lẽ chúng tôi nên đẩy mạnh nỗ lực phòng ngừa".
Giáo sư Chi Chunhuei, giám đốc trung tâm sức khỏe toàn cầu, Đại học Bang Oregon, nhận xét: "Chính quyền đã mất cảnh giác với các cụm dịch và quy mô của chúng. Họ cố gắng huy động mọi nguồn lực, bao gồm bệnh viện và cơ sở xét nghiệm, để ngăn chặn đợt bùng phát. Song vấn đề là nhiều người Đài Loan đã quen với lối sống bình thường".
Theo ông Chi, 11 tháng yên bình cùng 4 lần "thoát dịch" (cụm tàu Diamond Princess, đợt bùng phát trong đơn vị hải quân, cụm dịch phi công và cụm dịch bệnh viện Đào Viên) khiến cộng đồng cũng như giới chức quá tự tin vào khả năng ngăn chặn Covid-19. Ngay cả khi có các ca nhiễm cộng đồng, người dân vẫn nô nức đặt chỗ tại nhà hàng và đi du lịch nhân Ngày của Mẹ.
10 ngày sau, hôm 19/5, CECC báo cáo 264 ca nhiễm mới, đưa Đài Loan vào tình trạng cảnh báo cấp độ 3 trong hệ thống 4 cấp độ. Giới chức hạn chế tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang, đóng cửa các cơ sở giải trí, trường học. Nhà hàng vẫn được phép mở cửa. Các doanh nghiệp được kêu gọi triển khai làm việc từ xa, song hiếm đơn vị chấp hành. Giới chức không lập tức hỗ trợ tài chính cho người lao động phải nghỉ việc.
Đài Loan không thể phân tích xu hướng dịch tễ do tồn đọng hàng chục nghìn kết quả xét nghiệm. 169 điểm xét nghiệm nhanh hoặc PCR bị quá tải. Hòn đảo không muốn hoặc không đủ năng lực xét nghiệm hàng loạt.
Cuối tháng 5, công việc tồn đọng mới được giải quyết. Lúc này, cơ quan y tế đã ghi nhận thêm hàng trăm ca nhiễm mới. Một số người đặt câu hỏi liệu Đài Loan có nên phong tỏa hay không.
Song, hòn đảo lặp lại sai lầm của nhiều quốc gia: cố gắng giữ nền kinh tế hoạt động trong khi áp đặt hạn chế từng vùng, tránh giãn cách xã hội diện rộng. Đối với một số khu vực, như Melbourne, kết quả của chiến lược này là các đợt phong tỏa dài hơn và một cộng đồng bị Covid-19 gây tổn hại nghiêm trọng. Thành phố từ đó đã rút kinh nghiệm, nhanh chóng cách ly hoàn toàn vùng dịch sau khi phát hiện ca nhiễm.
Song giới chức Đài Loan phản đối các biện pháp cứng rắn.
"Công tác chống dịch mỗi vùng đều khác nhau, không phải lúc nào biện pháp mạnh cũng tốt. Chúng tôi tính đến thái độ của công chúng và đưa ra các hạn chế thích hợp, tránh gây tổn hại quá nhiều cho xã hội", đại diện CECC phát biểu.
Giáo sư Yen Muh-yong, giám đốc khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Cheng Hsin, lo ngại các đơn vị hồi sức tích cực có thể bị quá tải khi số lượng bệnh nhân ngày càng tăng.
"Điều này từng xảy ra ở New York và miền bắc Italy. Cần phải phá vỡ chuỗi lây nhiễm, vì vậy hãy phong tỏa một cách hiệu quả", ông nói.
Chen Shih-chung, chỉ huy chống dịch, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan, hứng chỉ trích từ giới trẻ khi ông cho rằng "sự tự mãn" của họ là nguyên nhân khiến dịch bệnh leo thang. Trên mạng xã hội, nhiều người trả lời họ thậm chí không biết mình nhiễm virus và vẫn phải làm việc ở văn phòng vì chính quyền không bắt buộc các doanh nghiệp đóng cửa.
Đợt bùng phát cũng ngày càng nghiêm trọng trong các khu ký túc xá đông đúc của người lao động nhập cư. Cộng đồng này cáo buộc nhà chức trách đã phản ứng quá chậm, không kịp bảo vệ nhóm dễ tổn thương.
Đối với những chuyên gia bên ngoài khu vực, Đài Loan dường như tụt hậu đến đáng ngại, như thể đang ở tháng 6/2020 thay vì 2021. Các cuộc thảo luận toàn cầu hiện xoay quanh vaccine, song hòn đảo không bắt kịp tốc độ.
"Tôi nghĩ các nhà lãnh đạo nghiêm túc nghĩ về vaccine quá muộn. Họ cho rằng chỉ cần đeo khẩu trang, kêu gọi cộng đồng chấp hành quy định giãn cách là đủ", tiến sĩ Peter Chang, cựu thanh tra, tổng giám đốc của Liên minh Y tế Đài Loan toàn cầu, cho biết.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ dập dịch thành công bước đầu đang phải vật lộn để có được vaccine. Đài Loan thậm chí đối mặt nhiều trở ngại hơn. Hòn đảo cáo buộc Trung Quốc đã can thiệp vào hoạt động mua bán với nhà sản xuất Pfizer-BioNTech. Chính quyền đại lục phủ nhận điều này.
Mới đây, Đài Loan nhận được 1,2 triệu liều vaccine từ Nhật Bản. Các thượng nghị sĩ Mỹ cũng cam kết sẽ ủng hộ 750.000 liều vaccine.
Hơn hai tuần kể từ khi bước vào tình trạng cảnh báo cấp độ ba, số ca nhiễm không giảm nhiều. Giáo sư Trần Kiến Nhân nói: "Bạn phải coi bất cứ ai không cùng gia đình là người mắc Covid-19. Trong hai tuần tới, đừng tụ tập với những người không sống cùng bạn".
Thục Linh (Theo Guardian)