Khi nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chật vật đối phó với sự trỗi dậy của Covid-19, Đài Loan nổi lên như khu vực đã kiểm soát mầm bệnh tốt đến mức đáng ngạc nhiên.
Trong nhiều tháng, cuộc sống ở Đài Loan hoàn toàn bình thường. Người dân tổ chức đám cưới, tham gia các buổi hòa nhạc, sự kiện thể thao và tới chợ đêm. Dân số tại đây lớn hơn bang Florida ở Mỹ, song số người chết vì Covid-19 có thể đếm trên đầu ngón tay.
Chính sự thành công ngoài mong đợi này khiến cư dân thấp thỏm, tự hỏi ‘liệu vận may của hòn đảo còn kéo dài bao lâu?’.
Theo ông Chen Shih-chung, chỉ huy chống dịch, người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan, thành công của khu vực là lý do để không lơ là cảnh giác hay dao động về chiến lược phòng ngừa virus. Hòn đảo đã phong tỏa đối với hầu hết du khách kể từ tháng 3. Những người được phép nhập cảnh vẫn phải cách ly dưới sự giám sát chặt chẽ trong hai tuần, bao gồm cả công dân Đài Loan.
Biện pháp mạnh mẽ giúp khu vực này tránh được làn sóng dịch bệnh thứ hai, song khiến kinh tế, chính trị bị ảnh hưởng ít nhiều.
Ông Chen cho biết giới chức sẽ không nới lỏng các chính sách cho đến khi vaccine được phân phối đại trà, trở thành vũ khí hữu hiệu chống lại virus. Ông nhấn mạnh Đài Loan sẽ không lặp lại sai lầm của một số quốc gia và vùng lãnh thổ, gỡ bỏ quy định hạn chế quá sớm dưới sức ép của dư luận, để rồi phải tái áp đặt ngay sau đó.
"Tôi tin rằng sẽ có làn sóng lây nhiễm khác. Vì mọi người đều nghĩ ‘Tôi đã tiêm vaccine rồi, hoặc tôi sẽ tiêm vaccine vào tuần tới. Tôi đã chờ đợi quá lâu, giờ đây tôi có thể tự do rồi, phải không?’", ông Chen nhận định.
Ông cho rằng Đài Loan chỉ thực sự thư giãn khi giới khoa học có thêm bằng chứng cho thấy vaccine cung cấp khả năng miễn dịch lâu dài.
Khi chương trình tiêm chủng bắt đầu trên toàn cầu, các nước chủ yếu chống dịch bằng hình thức phong tỏa, như Australia và New Zealand, đứng trước câu hỏi khi nào sẽ giảm bớt các biện pháp giãn cách.
Đài Loan chấp nhận áp dụng hạn chế và phong tỏa lâu hơn rất nhiều so với các khu vực khác, nhưng hầu như không đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng. Nền kinh tế của hòn đảo chậm lại cùng với thế giới thời kỳ đại dịch, song nhìn chung vẫn ở mức khá.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước châu Á từng được coi là hình mẫu chống dịch, đang phải vật lộn trong đợt bùng phát lớn nhất từ trước đến nay, số ca nhiễm theo ngày tăng kỷ lục.
Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các quan chức y tế, thành công của Đài Loan một phần cũng đến từ sự may mắn, theo Jason Wang, phó giáo sư tại Trường Y Đại học Stanford.
Số ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới tăng nhanh, biến chủng dễ lây lan hơn của virus lưu hành ở nhiều nơi. Vì công việc, nhiều người bắt buộc phải đến Đài Loan. Như vậy, số trường hợp dương tính có thể vượt ngoài tầm kiểm soát của nhà chức trách bất cứ lúc nào.
Hôm 30/12, Đài Loan đã xác nhận ca mắc biến chủng mới đầu tiên, là một người nhập cảnh từ Anh. Để ứng phó với tình huống xấu, giới chức thắt chặt hơn nữa các quy định kiểm dịch và phong tỏa.
Tiến sĩ Wang nói: "Thật đáng mừng là Đài Loan đã giữ chặt tuyến phòng thủ trong thời gian dài. Nhưng ngay cả khi khu vực này có thể tiêm chủng cho toàn bộ dân số vào giữa năm 2021, vẫn còn tới 6 tháng nữa kế hoạch mới hoàn thành. Rất khó để duy trì tình trạng an toàn trong vòng 6 tháng".
Đối với ông Chen, 2020 là một năm đầy khó khăn, ngay cả khi phản ứng của ông với Covid-19 khiến các nhà lãnh đạo về y tế của thế giới phải trầm trồ.
Trong cuộc thăm dò ý kiến gần đây, ông nhận mức tín nhiệm cao hơn tất cả các quan chức hàng đầu Đài Loan. Ông được nhắc đến như ứng viên tiềm năng cho vị trí Thị trưởng Đài Bắc.
Tuy nhiên, theo lời Chen, quyết định của ông kể từ khi dịch bệnh bùng phát đã nhiều lần nhận sự chỉ trích. Tiêu biểu là lệnh cấm nhân viên y tế rời đảo hồi tháng 2, hay thông báo cấm nhập cảnh đối với phần còn lại của thế giới hồi tháng 3.
Nhiều ý tưởng dập dịch của Đài Loan đơn thuần đến từ sự phỏng đoán. Ví dụ, trong cụm dịch du thuyền Diamond Princess hồi tháng 2, Nhật Bản đã cho phép các hành khách có kết quả âm tính đi lại tự do không cần cách ly. Một số người sau đó xét nghiệm lại dương tính. Đài Loan đã lưu ý điều này.
"Khi ấy thì mọi thứ trở nên rất rõ ràng đối với chúng tôi. Sau khi xét nghiệm, bạn phải cách ly cả người dương tính và âm tính ngay lập tức", ông Chen nói.
Vì chú trọng kiểm dịch nghiêm ngặt, các bệnh viện ở Đài Loan không bị áp đảo hay phát sinh chi phí xét nghiệm khổng lồ. Song một số chuyên gia đang hối thúc chính quyền kiểm tra y tế trên quy mô rộng hơn, đặc biệt là ở biên giới, để xác định thêm các bệnh nhân không triệu chứng.
Chan Chang-chuan, giáo sư Đại học Y tế Công cộng, Đại học Quốc gia Đài Loan, cho biết: "Chúng tôi đã đưa ra nhiều chính sách khi chỉ có vài triệu ca nhiễm trên khắp thế giới. Nhưng giờ đây con số đã lên đến hàng chục triệu, chuẩn bị lên đến 100 triệu. Đó là câu chuyện hoàn toàn khác".
Ông Chan cho rằng Đài Loan nên bắt đầu xét nghiệm tất cả người dân ở biên giới, không chỉ cách ly đơn thuần. Giới chức đã bắt đầu kiểm tra y tế đối với những người đến từ Anh để ngăn ngừa sự lây lan của biến chủng nCoV mới.
Theo quan điểm của Đài Loan, người mang virus không triệu chứng không có khả năng lây nhiễm cao sau 14 ngày cách ly. Ông Chen vẫn cho rằng một số bệnh nhân thuộc loại này chưa từng được phát hiện.
"Nhưng nếu họ không gây ra vấn đề lớn, liệu có cần tốn thời gian để truy vết không? Hay chúng ta nên tập trung vào những ca nhiễm có thể lây lan", ông nói.
Hiện chưa rõ cách tiếp cận này rủi ro ra sao. Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Lancet hồi tháng 10 cho thấy trong số 14.765 người được lấy mẫu máu tại bệnh viện Đài Bắc, tỷ lệ dương tính nCoV trên đầu người thấp hơn so với ở nhiều nước. Song, các nhà khoa học vẫn ngầm hiểu rằng số bệnh nhân Covid-19 có thể cao hơn thống kê chính thức.
"Về cơ bản, đây là sự đánh đổi giữa số tiền bạn muốn bỏ ra và rủi ro bạn chấp nhận", tiến sĩ Wang nói.
Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, đã so sánh chính sách đóng cửa biên giới chặt chẽ của Đài Loan với cách tiếp cận có phần "cảm tính" của Singapore. Quốc gia đã nới hạn chế với các du khách từ Đài Loan, nhưng hòn đảo phía Đông Á không có động thái tương tự.
Tiến sĩ Fisher cho biết: "Chúng tôi nghĩ rằng ngay cả khi khách nhập cảnh mang mầm bệnh, virus cũng khó có thể lây lan. Nếu không có niềm tin vào hệ thống kiểm dịch của mình, việc giữ an toàn biên giới sẽ khó khăn hơn".
Ông cho rằng thách thức thực sự đối với Đài Loan là trường hợp vaccine không đem lại miễn dịch lâu dài, liệu người dân có thể chịu cảnh phong tỏa khỏi phần còn lại của thế giới trong bao lâu nữa?
"Đây là lý do vì sao chúng tôi nói rằng chỉ nên đóng cửa biên giới nếu muốn có thêm thời gian. Đừng coi nó là chiến lược lâu dài", ông nói.
Thục Linh (Theo NY Times)