Năm 2020 đánh dấu những thành tích ấn tượng của Đài Loan trong chống Covid-19. Với chưa đến 1.000 trường hợp mắc Covid-19, không có ca nào lọt khỏi khu cách ly, 12 người tử vong và 253 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, Đài Loan được coi là hình mẫu chống dịch cho cả thế giới. Tuy nhiên, thành trì chống Covid-19 Đài Loan xuất hiện các lỗ hổng và sự yên bình đã bị phá vỡ.
Ngày 14/5, cơ quan y tế ghi nhận 29 ca nhiễm trong cộng đồng, sau đó là 333 ca trong ngày 17/5, 243 ngày 18/5, 273 ngày 19/5. Hầu hết trường hợp được phát hiện tại phía bắc, với các cụm dịch lớn ở thành phố Đài Bắc và Tân Đài Bắc.
Virus vượt qua biên giới
Đợt dịch bắt đầu vào tháng 4, liên quan đến phi hành đoàn của hãng hàng không China Airlines và khách sạn Novotel gần sân bay quốc tế Đào Viên. Trong khi các phi công và đồng nghiệp cách ly tại Novotel, một khu khác của khách sạn vẫn đón khách bình thường.
Do chính quyền rút ngắn thời gian cách ly đối với phi hành đoàn xuống còn ba ngày, nhiều người đã rời khách sạn, một số còn đến các địa điểm công cộng. Ngày 20/4, hai phi công của China Airlines có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể nCoV từ Anh.
Ngày 7/5, có 29 ca nhiễm bao gồm 11 phi công, một tiếp viên, 6 nhân viên khách sạn, cùng 11 thân nhân. Sau đó, các ca bệnh khác không liên quan tới sân bay hoặc khách sạn cũng xuất hiện ở một số nơi. Đến ngày 17/5, dịch lan ra 9 thành phố và quận, tất cả các trường hợp đều nhiễm biến thể nCoV từ Anh.
Nhiều quán bar có tiếp viên hoạt động bất hợp pháp ở quận Vạn Hoa, Đài Bắc trở thành điểm nóng Covid-19. Đến ngày 16/5, hơn 2.000 người liên quan được xét nghiệm, với tỷ lệ dương tính là 10,8%. Những quán bar này thường có ít cửa sổ và hệ thống thông gió kém. Việc tiếp xúc gần gũi như dùng chung đồ uống hoặc hát chung tạo điều kiện cho virus lây lan. Người uống rượu bia cũng dễ mất tự chủ hơn. Ngoài ra, khách hàng thường không dám thừa nhận đã đến quán bar, gây khó khăn cho việc truy vết.
Trước tình trạng đó, Trung tâm Chỉ huy Dịch tễ Đài Loan (CECC) đã nâng cảnh báo ở thành phố Đài Bắc và Tân Đài Bắc lên mức ba trên thang 4 cấp độ. Điều này đồng nghĩa người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài. Các cuộc tụ tập ngoài trời trên 10 người hoặc trong nhà quá 5 người cũng bị cấm.
Một số cơ sở kinh doanh, địa điểm công cộng và trường học phải đóng cửa. Chính quyền cắt giảm các dịch vụ y tế không liên quan đến Covid-19. Cư dân được khuyến cáo giữ an toàn vệ sinh và hạn chế đi lại. Đài Loan sẽ nâng cảnh báo lên mức cao nhất và áp dụng phong tỏa nếu có hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày liên tiếp trong vòng hai tuần.
Tiến sĩ Chiou Shu-ti, cựu ủy viên y tế của Đài Bắc, cho rằng các nhà chức trách đang "đùa với lửa" khi nới lỏng yêu cầu cách ly và chủ quan trong xét nghiệm cho phi hành đoàn. Bà cũng phản đối việc chính quyền chỉ xét nghiệm cho người có cả triệu chứng và có yếu tố dịch tễ. Theo bà Chiou, giới chức không nên áp dụng chiến lược giảm thiểu dịch bệnh như Anh hoặc Mỹ, đồng thời kêu gọi phong tỏa trên toàn khu vực, kết hợp xét nghiệm diện rộng.
Công tác xét nghiệm không diễn ra thường xuyên. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Đài Loan, xét nghiệm hàng loạt sẽ làm tăng trường hợp dương tính giả, gây lãng phí nguồn lực. Trong khi đó, hầu hết các nước lo ngại những ca âm tính giả có thể làm dịch bùng phát trong cộng đồng.
Ngày 16/5, tỷ lệ xét nghiệm của Đài Loan là 0,18 trên 1.000 người, theo Our World in Data. Ở Australia, con số này là 1,8 và Singapore là 13,1.
Xét nghiệm rất quan trọng vì đây là cách duy nhất để xác định đường lây lan và tốc độ của virus. Gigi Gronvall, chuyên gia tại Trung tâm An ninh Y tế thuộc trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết tăng cường xét nghiệm là cách duy nhất giúp Đài Loan tránh được phong tỏa.
Giải pháp giúp kiểm soát tình hình
Theo Hassan Vally, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học La Trobe, Melbourne, Australia, các đợt phong tỏa ngắn và quyết liệt có thể rất hiệu quả, giúp Đài Loan có thêm thời gian để đánh giá tình hình.
Nhà virus học Gregory Poland, người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu Vaccine của Mayo Clinic, cho biết: "Họ cần phong tỏa quyết liệt và tiêm phòng nhanh nhất có thể". Tuy nhiên, chiến dịch tiêm chủng của Đài Loan đang bị chậm so với các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Ngày 15/5, chỉ 0,9% trong số 23,5 triệu người Đài Loan được tiêm một mũi vaccine. Trong khi đó, 14,5% dân số Trung Quốc, 37% dân số Mỹ và 30% dân số Anh được tiêm phòng đầy đủ.
Sẽ rất khó để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine khi nguồn cung còn hạn chế. Đến nay, Đài Loan chỉ nhận được 315.000 liều vaccine AstraZeneca. Bà Tiêu Mỹ Cầm, đại diện Đài Loan tại Mỹ, cho biết hôm 16/5, 5 triệu liều vaccine Moderna sẽ tới Đài Loan cuối năm nay, tuy nhiên chỉ đủ cho một phần nhỏ dân số.
Giới chức hy vọng công tác truy vết và sự chấp hành nghiêm túc của người dân đối với các biện pháp như đeo khẩu trang có thể khống chế được dịch bệnh cho đến khi có vaccine.
Mai Dung (Theo Guardian, Bloomberg, Nikkei Asia)