Các cựu quan chức Afghanistan ngày 31/10 cho biết ngày càng nhiều cựu đặc nhiệm và đặc vụ tình báo gia nhập Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), chi nhánh ở Afghanistan của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở nước này.
Đặc nhiệm và tình báo Afghanistan là hai lực lượng tinh nhuệ từng được Mỹ huấn luyện, trang bị suốt 20 năm qua. Những thành viên này mang đến cho IS kiến thức chuyên môn quan trọng về kỹ thuật thu thập thông tin tình báo và tác chiến, có thể tăng cường năng lực cho nhóm này trong việc tranh giành quyền lực với Taliban, các cựu quan chức Afghanistan cảnh báo.
Một cựu binh Afghanistan, từng chỉ huy kho quân khí tại thành phố Gardez, gia nhập IS-K và chết trong cuộc đụng độ với Taliban một tuần trước, một cựu quan chức quen biết người này cho biết. Nhiều cựu binh và sĩ quan tình báo Afghanistan khác gia nhập IS sau khi Taliban tới khám nhà và yêu cầu họ ra trình diện chính quyền mới.
Một người ở huyện Qarabagh, phía bắc Kabul, cho biết anh họ của mình là một cựu đặc nhiệm cấp cao "biến mất hồi tháng 9" và giờ là thành viên của IS-K. Người này cũng cho biết 4 cựu binh Afghanistan khác gia nhập IS-K trong vài tuần gần đây.
"IS trở nên rất hấp dẫn với những cựu thành viên lực lượng an ninh Afghanistan, sau khi họ bị bỏ rơi", Rahmatullah Nabil, cựu lãnh đạo Tổng cục An ninh Afghanistan phụ trách công tác tình báo, cho biết. "Nếu có một cuộc kháng chiến, họ sẽ tham gia. Tuy nhiên, lúc này chỉ có IS là nhóm vũ trang đối lập ở Afghanistan".
Taliban hồi tháng 9 dập tắt phong trào kháng chiến ở thung lũng Panjshir do Ahmad Massoud lãnh đạo, buộc các thủ lĩnh phe kháng chiến bỏ trốn ra nước ngoài. Ahmad Massoud là con trai của Ahmad Shah Massoud, thủ lĩnh nhóm vũ trang chống Taliban bị al-Qaeda ám sát năm 2001.
Taliban cáo buộc IS-K là tổ chức do tình báo Afghanistan và Mỹ dựng lên nhằm gây chia rẽ trong lực lượng nổi dậy Hồi giáo tại quốc gia Trung Á. Mỹ và chính phủ Afghanistan cũ bác thông tin này.
Hàng trăm nghìn cựu đặc vụ tình báo, binh sĩ và cảnh sát của Afghanistan đang thất nghiệp và lo lắng cho tính mạng của mình, dù Taliban đã ban hành lệnh ân xá cho họ. Chỉ một phần nhỏ trong số này, chủ yếu thuộc Tổng cục An ninh Quốc gia Afghanistan, quay lại làm việc dưới sự giám sát của Taliban. Họ cũng bị nợ lương trong nhiều tháng, giống các nhân viên chính phủ Afghanistan khác.
"Đây chính xác là những gì từng diễn ra ở Iraq, khi các tướng lĩnh thời Saddam Hussein thấy thất vọng với chính quyền mới. Chúng ta cần thận trọng", một quan chức phương Tây cảnh báo. "Mỹ giải tán lực lượng an ninh Iraq sau chiến dịch quân sự năm 2003. Với vũ khí giấu tại nhà và nhiều năm kinh nghiệm chiến đấu, họ là nguồn nhân sự dồi dào cho các nhóm vũ trang, bao gồm al-Qaeda và tổ chức tiền thân của IS".
Ngoài việc tiếp nhận cựu binh và cựu đặc vụ Afghanistan, IS-K đang vung tiền chiêu mộ các thành viên mới, giới chức an ninh Mỹ cho biết. Trong phiên điều trần gần đây tại thượng viện, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl cảnh báo chi nhánh IS ở Afghanistan có thể tấn công phương Tây và đồng minh trong vòng 6-12 tháng nữa.
IS-K thành lập năm 2014 bởi các thành viên Taliban tại Afghanistan và Pakistan, những người bất mãn với các lãnh đạo của nhóm đang tìm cách đàm phán với Mỹ. IS-K kiểm soát một số huyện miền đông Afghanistan tới năm 2015, rồi suy yếu đáng kể sau các cuộc tấn công của Taliban.
Tuy nhiên, IS-K trỗi dậy khi chính quyền cũ của Afghanistan sụp đổ và Mỹ rút hết quân khỏi quốc gia Trung Á. Một vụ đánh bom liều chết của IS-K hồi tháng 8 tại sân bay Kabul khiến 13 binh sĩ Mỹ và khoảng 200 người Afghanistan thiệt mạng.
IS-K sau đó tổ chức nhiều cuộc tấn công nhằm vào Taliban và đánh bom liều chết tại nhiều thánh đường Hồi giáo nhằm tranh giành ảnh hưởng và quyền lực với Taliban.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)