Trả lời:
Phế cầu khuẩn có hơn 100 tuýp khác nhau, gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết... Để được bảo vệ toàn diện, người đã tiêm vaccine phế cầu 10 (Synflorix) và phế cầu 13 (Prevenar 13) vẫn cần tiêm bổ sung vaccine phế cầu 23 (Pneumovax 23).
Vaccine phế cầu 23 hiệu quả đến 87% đối với người cao tuổi; người có bệnh nền như phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, thận, gan; người từng mắc Covid-19 có chức năng hô hấp suy giảm...
Cụ thể:
Củng cố hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine phế cầu trước đó: Việc tiêm bổ sung vaccine phế cầu 23 giúp tạo cơ hội cho cơ thể tiếp cận lại các tuýp huyết thanh có trong vaccine phế cầu 10 và 13, củng cố miễn dịch.
Mở rộng khả năng bao phủ các chủng phế cầu nguy hiểm khác không có trong vaccine phế cầu 10 và 13: Vaccine phế cầu 10 và 13 bảo vệ chống lại lần lượt 10 và 13 chủng phổ biến nhất. Còn mũi phế cầu 23 tạo miễn dịch chống 23 chủng phế cầu, tăng khả năng bảo vệ và hiệu quả hơn đối với các bệnh do phế cầu khuẩn xâm lấn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh như bị suy giảm miễn dịch, ghép ốc tai, dò dịch não tủy, hút thuốc lá, nghiện rượu...
Để đảm bảo hiệu quả vaccine, tất cả trẻ em cần hoàn thành lịch tiêm phế cầu 10 và 13, người lớn cần hoàn thành lịch tiêm phế cầu 13 trước khi tiêm mũi phế cầu 23. Trong đó:
Trẻ em đã tiêm vaccine phế cầu 10: bổ sung một mũi phế cầu 13 khi 2 tuổi, sau đó tiêm phế cầu 23. Khoảng cách tối thiểu giữa vaccine phế cầu 13 và phế cầu 23 là một năm đối với người không có nguy cơ cao nhiễm phế cầu và hai tháng (tối thiểu 8 tuần) đối với người có nguy cơ cao.
Người lớn đã tiêm vaccine phế cầu 13: Tiêm bổ sung một mũi phế cầu 23 là một năm so với mũi phế cầu 13. Người có nguy cơ cao mắc bệnh phế cầu xâm lấn cần tiêm chủng lại 5 năm sau liều cơ bản hoặc theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Minh Luân
Chuyên viên Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.