UBND Đà Nẵng cho biết, khi thực hiện "ai ở đâu thì ở đó", từ 8h hôm nay, các UBND phường, xã lập các tổ kiểm tra, giám sát (gọi là Ban điều hành) tại các khu dân cư, khu chung cư, thôn, xóm. Đây là lực lượng của lớp bảo vệ thứ nhất, vừa đảm nhận kiểm tra, giám sát việc người dân không ra khỏi nhà ngay từ khu dân cư; vừa cung ứng lương thực, thực phẩm cho hộ gia đình.
Ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, yêu cầu các Ban điều hành thiết lập các chốt cứng, nhất là khu vực đường ngang, lối mở, kiệt, hẻm. Mỗi khu dân cư, chung cư, thôn chỉ có từ 1 đến 2 lối ra, vào và có lực lượng trực 24/24h. Các chốt cứng phải in bảng hướng dẫn đường ra để người dân di chuyển trong trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, chữa cháy.
Đà Nẵng có hơn 1,1 triệu dân ở 56 phường, xã thuộc 7 quận, huyện có dân cư. Lãnh đạo thành phố giao chủ tịch UBND các phường, xã thành lập từ ít nhất 5 Tổ phản ứng nhanh (gồm công an, quân đội làm nòng cốt và các đơn vị khác là thành viên) để hỗ trợ các Ban Điều hành khi có tình huống cần thiết; đồng thời thường xuyên tuần tra kiểm soát địa bàn, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an Đà Nẵng, cho biết đã giảm bớt các chốt trong nội đô, chỉ duy trì mỗi phường khoảng 4 chốt ở các trục đường chính. Thay vào đó, tăng cường lực lượng công an thành phố tăng cường cho các quận, huyện; quận, huyện tăng cường cho phường, xã để tạo thành lớp bảo vệ thứ hai. Lực lượng này sẽ tuần tra, kiểm soát trên mọi tuyến đường để hỗ trợ cho các Ban điều hành.
"Lần này, Đà Nẵng tạm dừng tất cả hoạt động trong 7 ngày, nên cần sự quyết liệt để đảm bảo thực sự giãn cách, nhằm cắt đứt nguồn lây, phục vụ cho ngành y tế thành phố tập trung xét nghiệm toàn dân, loại bỏ F0 ra khỏi cộng đồng", tướng Viên nói.
Công an Đà Nẵng trong đêm 15/8 đã hoàn tất việc cấp "giấy đi đường" và "thẻ công vụ" cho các lực lượng chống dịch, đội ngũ vận chuyển cung ứng nhu yếu phẩm. Các đơn vị thuộc ngành y tế cũng cấp giấy đi đường cho lực lượng đi tiêm phòng, xét nghiệm, truy vết, khám chữa bệnh, cấp cứu...
Giấy đi đường chỉ do hai ngành cấp, do đó sẽ thuận lợi cho kiểm tra, kiểm soát và phát hiện ngay trường hợp vi phạm. Ai ra đường không thiết yếu sẽ bị xử lý nghiêm, chứ không dừng lại ở nhắc nhở như trước đây, tướng Viên khẳng định.
Theo ông, thời gian 7 ngày tới sẽ quyết định thành bại trong việc chống dịch ở Đà Nẵng. Biện pháp giãn cách sẽ "là vô nghĩa nếu người dân vẫn lén lút qua lại tiếp xúc".
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết đã lập thêm lớp bảo vệ thứ ba là các đội đi giám sát việc xử lý người ra đường khi không thiết yếu, cung ứng các nhu yếu phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân của các Ban điều hành ở khu dân cư.
Tại cuộc họp chống dịch chiều 15/8, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu trong thời gian người dân không ra khỏi nhà, 17h hàng ngày các quận, huyện phải có báo cáo tóm tắt về những việc đã làm được và những hạn chế. Công an thành phố phải báo cáo đánh giá địa bàn nào làm tốt, địa bàn nào không làm tốt, công khai việc xử lý vi phạm về phòng, chống dịch.
Lãnh đạo Đà Nẵng yêu cầu tuyệt đối không để người dân thiếu nhu yếu phẩm khi thành phố thực hiện cách ly nghiêm ngặt. Trong đó, Sở Công Thương và các địa phương phải có phương án đảm bảo cung cứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân; đàm phán với các đơn vị cung cấp để đảm bảo giá cả.
Ông Nguyễn Đăng Huy cho biết, những ngày qua quận Liên Chiểu đã mời tất cả những nhà cung cấp lương thực, thực phẩm nên làm việc để thống nhất về mặt hàng, giá cả và yêu cầu cam kết những mặt hàng đủ khả năng cung ứng. Những hộ bán nhu yếu phẩm trong khu dân cư cũng được huy động để trong tình huống cần thiết sẽ bán cho dân thông qua tổ dân phố.
Rút kinh nghiệm từ quận Sơn Trà, khi phong toả đã đưa ra nhiều mặt hàng để người dân lựa chọn dẫn đến việc hàng hóa cung ứng không kịp thời, quận Liên Chiểu đưa ra các combo chỉ bao gồm những thức ăn cơ bản, như gạo, mì, trứng, thịt, cá, một số loại rau, củ, quả để việc cung ứng hàng hóa nhanh chóng hơn.
"Chúng tôi đã phát phiếu đăng ký mua lương thực. Người dân có nhu cầu sẽ có lực lượng đứng ra đi chợ giúp, mua hàng và đưa về những khu vực dân cư", ông Huy nói. Quy mô dân số ở quận Liên Chiểu khoảng 200.000 người, trong đó có nhiều khu vực công nhân, lao động phổ thông.
Những ngày qua địa phương đã cử lực lượng đi khảo sát những hộ khó khăn, lao động tự do, công nhân đang thất nghiệp, gặp khó khăn. Các tổ dân phố đã thống kê danh sách, hỗ trợ một số trường hợp. "Những người khó khăn sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong những ngày tới", ông Huy nói.
Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.779 ca mắc Covid-19. Trong ngày 15/8, phát hiện thêm 79 ca nhiễm mới (33 ca đã được cách ly tập trung từ trước). Chuỗi "siêu lây nhiễm" liên quan chợ đầu mối Hoà Cường tiếp tục là điểm nóng, khi có 50 ca dương tính trong 24h, nâng tổng số ca mắc sau 4 ngày lên 137 người.