Chiều 14/8, Chủ tịch TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh quy định những người được phép ra đường từ 8h ngày 16 đến 8h ngày 23/8. Đó là người thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; người vận chuyển, cung ứng dược phẩm, vật tư y tế, hóa chất cho cơ sở y tế; phân phối lương thực, thực phẩm và hàng thiết yếu cho người dân; giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu từ cảng đến điểm giao hàng và ngược lại; vận chuyển công vụ; bưu chính nhà nước; công nhân vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh đô thị, xử lý sự cố điện, nước, thông tin, viễn thông.
Ngoài ra, còn có người đi cấp cứu; khám, chữa bệnh định kỳ tại cơ sở y tế trên địa bàn; đi xét nghiệm hoặc tiêm chủng Covid-19; người đi cách ly hoặc hoàn thành thời gian cách ly tập trung trở về nhà; người xuất viện; người đến cảng hàng không quốc tế để thực hiện chuyến bay đi nước ngoài khi đã có vé.
Phóng viên được ra đường tác nghiệp báo chí, nhưng phải đảm bảo tối đa không quá 6 người/đơn vị phát thanh, truyền hình; không quá 2 người với báo in, báo điện tử (trừ các loại hình tạp chí).
Những người đến nơi làm việc, sản xuất phải đảm bảo "3 tại chỗ" (làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ) và được xem là một điểm cách ly, bao gồm: Người đến làm việc tại cơ quan, công sở nhà nước (không quá 10%); trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi (siêu thị mini), công ty thương mại đầu mối; nhà thuốc/quầy thuốc; cơ sở y tế trong và ngoài công lập; cơ sở cách ly y tế tập trung.
Thêm vào đó còn có người đến làm việc tại các cơ sở cung cấp gas, cấp điện, cấp nước, xăng dầu; ngân hàng; bưu chính, viễn thông; cảng hàng không, cảng biển, nhà ga đường sắt, trạm quản lý đường bộ; cơ sở sản xuất suất ăn công nghiệp; làm việc tại các cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao (chỉ được bố trí tối đa 30% số người làm việc).
Những trường hợp ra đường trong hoạt động khẩn cấp khác phải được Chủ tịch UBND thành phố hoặc các quận, huyện quyết định. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có lãnh đạo, nhân viên trực theo nguyên tắc "3 tại chỗ" để đảm bảo an ninh, an toàn phòng, chống cháy nổ.
Giám đốc Công an thành phố và Trưởng công an các quận, huyện được giao hướng dẫn, cấp thẻ nhận diện đối với người được phép ra ngoài và tham gia giao thông; điều phối lực lượng kiểm tra, xử lý trường hợp vi phạm.
Trong 7 ngày thành phố tạm dừng hoạt động, Sở Y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ người dân ở khu đang phong tỏa (39.550 người); đại diện hộ gia đình ở khu vực còn lại trên địa bàn (khoảng 219.740 người). "Thành phố sẽ xét nghiệm toàn diện, không bỏ sót bất cứ hộ gia đình nào để quyết tâm đưa tất cả F0 ra khỏi cộng đồng", Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nói.
Theo bà Yến, năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng hiện nay có thể đáp ứng được 6.000 giường bệnh, trong đó chỉ 300 giường hồi sức tích cực có đầy đủ trang thiết bị y tế. Thành phố phải áp dụng biện pháp không để người dân ra đường trong 7 ngày nhằm kiểm soát dịch bệnh và "không để hệ thống y tế bị quá tải như một số tỉnh phía Nam".
Người lao động làm việc tại doanh nghiệp tổ chức làm việc theo phương án "3 tại chỗ" sẽ lấy mẫu xét nghiệm tần suất 3 ngày/lần, chi phí do doanh nghiệp chi trả. Người dân trong vùng phong tỏa cũng lấy mẫu 3 ngày/lần.
Hôm nay, Đà Nẵng ghi nhận thêm 91 người mắc Covid-19 (23 người được cách ly tập trung từ trước), nâng số ca từ ngày 10/7 đến nay lên 1.700. Chuỗi lây nhiễm "nguy cơ rất cao" liên quan chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận 87 bệnh nhân trong 3 ngày, đa số là tiểu thương.