Thứ bảy, 9/11/2024
Thứ sáu, 13/8/2021, 15:21 (GMT+7)

Người Đà Nẵng kéo nhau đi chợ

Các chợ truyền thống ở TP Đà Nẵng trong sáng 13/8 đông kín người đến mua nhu yếu phẩm; nhiều nơi không đảm bảo giãn cách, giá tăng so với ngày thường.

Sáng 12/8, nhiều người dân Đà Nẵng đổ xô đến các chợ mua sắm lương thự,c thực phẩm để dự trữ trước thông tin thành phố có thể yêu cầu người dân ở yên tại nhà trong 7 ngày để chống dịch.

Trên đường Lương Ngọc Quyến dẫn vào chợ Đống Đa (quận Hải Châu), nhiều người vừa vào chợ, vừa tranh thủ mua sắm tại các cửa hàng.

Để tránh tình trạng tập trung đông người, lực lượng quy tắc đô thị và công an phải lập chốt ở đầu đường Lương Ngọc Quyến giao Đống Đa để kiểm tra giấy đi đường, thẻ vào chợ của người dân.

Bảo vệ chợ dùng phần mềm quét mã QRCode trên thẻ đi chợ để kiểm tra, chỉ cho người vào đúng theo ngày được in trên thẻ (tần suất đi chợ ở Đà Nẵng là 3 ngày một lần).

Nhiều gian hàng phía trong chợ chật kín người mua nhu yếu phẩm.

Dòng người chen nhau mua hàng từ sáng sớm tại khu vực bán hải sản. Đến 7h30, nhiều quầy hải sản đã hết hàng. Giá hải sản tăng khoảng 50.000 đến 100.000 đồng/kg mỗi loại so với trước.

Các quầy bán thịt cũng chật kín người mua. Giá thịt lợn tăng nhẹ. Đến 9h, hầu hết các quầy thịt đã bán hết hàng. Người mua cũng không có cơ hội trả giá, dù mỗi kg tăng từ 20.000 đến 40.000 đồng tùy loại.

Tiểu thương Trần Thị Bích Thủy bán hết 70 kg thịt bò lúc 9h. "Ngày trước tôi bán đến 12h mới hết", bà nói và cho biết do quầy thịt của mình bán đúng giá như mọi khi, người mua toàn là khách quen nên sớm hết hàng.

Tình trạng nhiều quầy thịt, cá, rau..., sớm hết hàng cũng xảy ra ở hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố.

"Rau muống tôi mua 40.000 mỗi kg. Bí xanh mọi khi 20.000 đồng nay lên 30.000 đồng", bà Đặng Thị Thơm, trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu, phản ánh.

Các mặt hàng đều tăng giá: Cá nục tăng từ 70.000 đồng/kg lên 120.000 đồng; trứng gà từ 35.000 đồng lên 45.000 đồng/vỉ 12 quả; dưa leo có giá 40.00 đồng một kg, chanh 40.000 đồng/kg...

Nhiều người dân chọn cách chấp nhận mua lương thực, thực phẩm với giá cao vì đã hết lượt đi chợ trong ba ngày tới.

Tối 11/8, Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP Đà Nẵng quyết định xây dựng phương án "nếu trong vòng 4 ngày nữa thực hiện các biện pháp như hiện nay mà tình hình dịch bệnh không giảm, Đà Nẵng phải thực hiện triệt để hơn nguyên tắc ai ở đâu ở yên đó". Theo đó, người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà. Các công sở, công xưởng, nhà máy, công trường muốn hoạt động phải đảm điều kiện cho công chức, người lao động ở lại tại chỗ, không được di chuyển đi nơi khác trong vòng bảy ngày.

Phía đối diện cổng chợ Đống Đa, một cửa tiệm cầm đồ được mượn tạm làm nơi tập kết rau củ quả từ Gia Lai xuống. Nhiều người thấy giá rẻ hơn so với trong chợ đã tập trung ra mua. Lực lượng chức năng có mặt nhắc nhở thì người dân tản ra, nhưng sau đó lại xảy ra tập trung đông người.

Nhiều người đã mua đồ trong chợ, nhưng khi ra bên ngoài vẫn tranh thủ mua thêm để "yên tâm khi ở trong nhà nhiều ngày".

Sáng nay, Sở Công Thương và các đơn vị, doanh nghiệp ở Đà Nẵng đã họp bàn phương án cung ứng hàng hoá trong những ngày tới. Giám đốc Sở Lê Thị Kim Phương nói sáng nay tại một số chợ xảy ra tình trạng khan hiếm một số mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Cảnh nhốn nháo trên đường Đống Đa. Do lực lượng chức nặng chặn xe từ đường vào chợ, nên nhiều người bỏ xe dưới lòng đường, đi bộ vào mùa nhu yếu phẩm.

Từ ngày 4/5 đến nay, Bộ Y tế công bố 1.801 ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng. Riêng đợt dịch từ ngày 10/7 đến nay là 1.551 ca. Hiện 1.072 ca đang điều trị, trong đó 43 ca bệnh nặng nguy cơ tử vong cao. Số ca dương tính mới trong ngày 13/8 chưa công bố.

Nguyễn Đông