Thứ sáu, 8/11/2024
Thứ bảy, 14/8/2021, 13:00 (GMT+7)

Đường phố Đà Nẵng đông người trước ngày 'ở yên trong nhà'

Sáng cuối tuần, nhiều người dân Đà Nẵng đổ ra đường mua nhu yếu phẩm trước khi thành phố áp dụng lệnh "ai ở đâu ở yên đó".

Lúc 5h20, khu vực tượng đài mẹ Nhu trên đường Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) tấp nập phương tiện. Dòng người chủ yếu hướng đến các chợ mua bán.

Hai ngày tới, từ 8h ngày 16 đến 8h ngày 23/8, người dân Đà Nẵng sẽ thực hiện nguyên tắc "ai ở đâu ở đó", không được ra khỏi nhà và thực hiện tuyệt đối cách ly nhà với nhà.

Lực lượng công an phường Hoà Khê, dân quân tự vệ, ban quản lý chợ Thanh Khê, sinh viên tình nguyện phải chốt cứng khu vực hai đầu đường Cù Chính Lan, để chặn người dân vào chợ Thanh Khê.

Chính quyền Đà Nẵng đã chỉ đạo các ngành và địa phương có phương án cụ thể, đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến các tổ dân phố để phục vụ người dân. Tuy nhiên hai ngày qua, nhiều người dân thành phố đã đổ xô đến các chợ để mua lương thực, thực phẩm; nhiều nơi không đảm bảo giãn cách, giá tăng so với ngày thường.

Đúng 6h, chốt mở để kiểm soát người vào chợ. Người dân có thẻ đi chợ đúng ngày (tần suất 3 ngày/lần) mới được vào chợ. Nhiều người không có thẻ, thẻ không đúng ngày hoặc không phải là người ở Hoà Khê phải quay đầu xe. Sau 15 phút mở trạm, khu vực này đã thông thoáng.

"Từ 1h30 đêm qua, chúng tôi đã phải bố trí lực lượng chốt chặn để hạn chế việc người dân vào chợ ồ ạt. Tuy nhiên do chợ Thanh Khê là nơi bán thịt heo, gà, vịt tươi ngon nên người dân ở nhiều nơi đổ về mua, dẫn đến ùn tắc cục bộ", trung tá Nguyễn Quốc Anh, Trưởng công an phường Hoà Khê, nói.

Phía trong chợ, nhiều nhu yếu phẩm đã được bày đầy kệ để phục vụ việc mua sắm của người dân.

Trên đường Ông Ích Khiêm, người dân tập trung trước những quầy rau tự phát trên vỉa hè, lúc 6h40. "Rau phía trong chợ bán đắt gấp đôi ngày thường, nên tôi mua ngoài này vì rẻ hơn", chị Hoa, trú quận Hải Châu, nói.

Cầu Rồng lúc 7h sáng. Người dân chủ yếu di chuyển từ quận Hải Châu sang phía Ngũ Hành Sơn, vì hầu hết các khu vực ở quận Sơn Trà đã phong toả cứng.

Trong thời gian Đà Nẵng tạm dừng mọi hoạt động, các cơ quan, công sở, đơn vị phải giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch); các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị; đảm bảo làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

7h50, hàng trăm người dân đứng đợi trước siêu thị Co.Opmart trên đường Điện Biên Phủ, dù theo lịch 9h siêu thị mới mở cửa.

Siêu thị yêu cầu người dân xếp hàng, chỉ cho mỗi lần 20 người vào khu mua sắm để đảm bảo giãn cách.

Nút giao tàu hoả trên đường Trần Cao Vân mở chốt cho đoàn tàu chở hàng đi qua.

Từ ngày 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 1.609 ca mắc Covid-19. Trong hôm qua, thành phố phát hiện 58 ca mắc mới, trong đó có 16 ca cộng đồng. Chuỗi lây nhiễm đáng lo ngại lúc này là liên quan đến chợ đầu mối Hoà Cường, khi đã có 17 tiểu thương dương tính.

Tại Nha Trang, trong hôm đầu cách ly xã hội vẫn còn nhiều người ra đường và bị dừng lại tại chốt kiểm soát y tế đường 23 Tháng 10. Sau khi kiểm tra các giấy đi đường, xét nghiệm nhanh Covid-19, lực lượng tại chốt yêu cầu người dân không ra khỏi nhà để phòng chống Covid-19.

Từ 0h ngày 14/8, hơn 500.000 người dân của 27 xã phường ở TP Nha Trang phải thực hiện nghiêm việc "người cách ly với người, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết".

Siêu thị Bách hóa Xanh (đường Lê Hồng Phong) vẫn hoạt động cho người dân mang phiếu đi siêu thị, cấp bởi địa phương để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Trước khi vào nhân bên trong, nhân viên đo thân nhiệt, kiểm tra phiếu và yêu cầu đứng giãn cách.

Cũng trên đường Lê Hồng Phong, người dân tới siêu thị Co.opmart Nha Trang phải quay về khi nơi đây đóng cửa. Người dân có nhu cầu phải đặt hàng trực tuyến, sau đó nhân viên sẽ đi giao.

Trong thời gian cách ly xã hội, TP Nha Trang có phương án cụ thể, đảm bảo việc cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân. Ngoài dịch vụ đặt trực tuyến, mỗi hộ dân có thể thông qua Tổ cứu trợ ở thôn, khu phố các xã phường để đặt hàng, sau đó xe giao hàng mang tới điểm tập kết, phân bổ đến người dân.

Các cửa hàng thuốc tây áp dụng các biện pháp chống dịch; yêu cầu người mua thuốc đứng giữ khoảng cách, dùng ròng rọc để đưa thuốc và nhận tiền.

Nguyễn Đông - Xuân Ngọc