Trả lời:
Thời tiết giao mùa, rét lạnh là điều kiện thuận lợi khiến bệnh về da phát triển như viêm da dị ứng, viêm da cơ địa, mề đay, nứt nẻ chân tay và cước chân tay.
Bệnh cước không phải bệnh cơ địa mà là một dạng dị ứng da tại chỗ do thời tiết. Khi trời lạnh, các đầu ngón chân, ngón tay sưng lên, nóng đỏ, hơi đau do phù nề, mức độ khác nhau. Nhiều người ngứa quá mức phải gãi gây trầy xước và nhiễm trùng, dẫn đến viêm da.
Bệnh cước ở mức độ nhẹ có thể được khắc phục bằng cách giữ ấm cơ thể, nhất là bàn tay bàn chân bằng cách đi găng, tất. Mỗi tối, bạn có thể ngâm chân chừng 20 phút trong nước ấm, làm giảm cảm giác khó chịu. Sau khi ngâm, xoa bóp và rửa sạch chân, lau thật khô rồi mới đi tất. Sử dụng các loại dép giữ ấm để đi trong nhà và đi giày kín nếu ra ngoài. Không dùng nước lạnh khi rửa tay chân hay làm các việc tiếp xúc với nước.
Trường hợp cước nặng, bạn nên đến bác sĩ để được kê đơn thuốc nhằm giảm ngứa, chống phù nề và tái phát bệnh hàng năm.
Để hạn chế sự phát triển của cước, bạn nên tránh việc gãi lên vùng da bị tổn thương, giảm viêm loét đồng thời sử dụng loại kem bôi do bác sĩ chỉ định để giữ ẩm, làm mềm da, dịu cơn ngứa.
Tắm bằng nước ấm để cân bằng nhiệt độ, tăng tuần hoàn cho da. Không dùng các thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, hoặc những món từng khiến bạn bị dị ứng. Lựa chọn quần áo không có chất liệu gây kích ứng và tránh mặc quá chật gây cọ xát, kích thích tại chỗ.
Uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây và hạn chế chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá. Tránh tiếp xúc với các chất tẩy rửa. Đeo găng tay khi rửa bát, giặt giũ, lau nhà...
Bác sĩ Lương Trường Sơn
Giám đốc phòng khám da liễu Đồng Diều
Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Côn trùng TP HCM