Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết móng chân là chất sừng, khá dẻo dai và có khả năng phục hồi trước sự bào mòn hàng ngày. Tuy nhiên, ma sát với giày, vận động, nhiệt độ, độ ẩm... có thể làm hư hỏng, gây tổn thương móng.
Nấm móng chân
Nấm móng là tình trạng khá phổ biến. Khoảng 50% người trên 70 tuổi gặp vấn đề về nấm móng, càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh. Nấm phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt, người hay bị chảy mồ hôi chân hoặc mang cùng một đôi giày, ủng bị thấm mồ hôi mỗi ngày trong một thời gian dài. Người mắc bệnh đái tháo đường cũng có nguy cơ cao bị nhiễm trùng móng.
Dấu hiệu nhận biết nấm móng là những đốm trắng hoặc vàng xuất hiện dưới đầu móng chân, có mùi hôi. Khi nấm xâm nhập sâu hơn, móng dễ bị đổi màu và dày lên hoặc bị nứt, lởm chởm ở mép, giòn, vỡ vụn...
Móng chọc thịt
Móng chọc thịt xảy ra trong góc móng chân hoặc một phần bên móng chân phát triển vào trong phần thịt. Nguyên nhân là do cắt móng chân quá ngắn, cắt móng theo đường cong thay vì cắt thẳng, dẫn đến tổn thương móng hoặc mang đôi giày quá chật, chèn ép móng chân.
Khi bị móng chọc thịt, các móng chân sẽ cong và to bất thường, vùng da bao quanh ngón chân đỏ, sưng tấy gây đau đớn. Nghiêm trọng hơn là mủ chảy từ móng chân bị tổn thương.
Móng chân hình gai (clubbed nails)
Bệnh này liên quan đến những thay đổi dưới móng chân hoặc xung quanh móng chân khiến các ngón chân to bất thường. Bệnh có thể do di truyền hoặc mắc một số bệnh lý như tim, bệnh phổi, rối loạn tiêu hóa và ung thư.
Bệnh có thể âm thầm tiến triển trong vài tuần hoặc vài năm. Triệu chứng của móng chân hình gai là móng chân mở rộng, gập xuống, có những góc sắc giữa lớp biểu bì và móng.
Móng chân bị đổi màu
Móng chân đổi màu không đáng lo ngại. Nguyên nhân có thể do tiếp xúc sơn móng tay, móng chân, thuốc nhuộm từ giày dép và các sản phẩm khác có chứa thuốc nhuộm. Ngoài ra các loại thuốc bao gồm thuốc điều trị ung thư, thuốc kháng sinh và những loại thuốc khác được sử dụng để điều trị các rối loạn tự miễn dịch cũng có thể khiến móng chân bị đổi màu.
Móng chân đổi màu không gây đau đớn và có khả năng cải thiện khi các móng chân dài ra hoặc khi ngừng các loại thuốc và sản phẩm khiến móng đổi màu.
Hội chứng móng - xương bánh chè
Đây là hội chứng rất hiếm gặp, tỷ lệ 1/50.000 người mắc, gây ra những thay đổi ở móng chân, xương bánh chè, xương hông và khuỷu tay.
Hội chứng móng - xương bánh chè chủ yếu do đột biến gene. Triệu chứng phổ biến nhất là móng kém phát triển hoặc bị thiếu, có gờ hoặc chẻ ngọn, đổi màu móng. Ngoài ra, xương bánh chè nhỏ, biến dạng hoặc mất tích, khuỷu tay kém phát triển hoặc biến dạng, đau đầu gối và khuỷu tay, mọc xương nhỏ trên xương hông.
Trắng móng
Tình trạng trắng móng được chia thành nhiều loại dựa trên mức độ trắng của móng bao gồm vệt trắng trên móng tay; trắng một phần móng hoặc trắng hoàn toàn móng. Bên cạnh đó, các đường đỏ hoặc đen trên móng tay có thể là dấu hiệu của tình trạng trắng móng, hoặc dấu hiệu của nhiều loại bệnh nhiễm trùng và bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm cả ung thư.
Màu trắng của móng có thể do các tình trạng bệnh lý có từ trước hoặc do móng chân bị thương. Ngoài ra đột biến gene di truyền hoặc do hóa trị và ngộ độc kim loại nặng cũng có thể gây ra tình trạng này.
Chấn thương móng chân
Chấn thương móng chân có thể dẫn đến tụ máu dưới móng. Các triệu chứng của chấn thương móng phụ thuộc vào loại chấn thương, dẫn đến đau hoặc nhói, đốm đỏ sẫm hoặc tím dưới móng tay; móng bị tách hoặc rách, móng bị nhấc khỏi da, móng chân đổi màu hoặc bị chảy máu bất thường.
Bác sĩ khuyến cáo, điều trị các vấn đề về móng chân phụ thuộc vào vấn đề và nguyên nhân của nó. Cụ thể, tình trạng nhiễm nấm móng chân có thể khó chữa dứt điểm và thường phải dùng thuốc kháng nấm theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ chỉ định loại bỏ móng tay khi tình trạng nấm móng quá nghiêm trọng. Bệnh nấm móng phải điều trị khoảng vài tháng để dứt điểm.
Ngăn ngừa nấm móng chân bằng những cách đơn giản như giữ chân sạch sẽ và khô ráo; tránh đi chân trần trong phòng tắm công cộng, hồ bơi hoặc phòng thay đồ; không dùng chung đồ cắt móng tay; chọn tiệm làm móng được cấp phép và khử trùng dụng cụ của họ; quản lý đúng mức đường huyết nếu bạn bị tiểu đường.
Đối với tình trạng móng chọc thịt, bác sĩ có thể nâng móng, cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ móng. Chấn thương móng có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào loại và mức độ chấn thương.
Khi nhận thấy những thay đổi bất thường ở móng chân, bạn nên đi khám để đánh giá và có hướng điều trị sớm, hiệu quả cao.
Thùy An