Có một số bạn cho rằng: Tôi còn đang học đã được tuyển dụng, sẵn sàng ra trường có việc làm ngay không phải xin việc. Vâng, tôi biết một số ngành nghề ở Việt Nam đang thiếu rất nhiều nhân lực, nhà tuyển dụng không có chọn lựa.
Tuy nhiên, không ít ngành nghề vẫn đang thừa nhân lực, ra trường xong vẫn rất khó tìm được việc làm. Ví như quản trị kinh doanh. Một thời gian dài người ta không biết học nghề gì để đi làm, họ đổ xô đi học vì bằng này có khả năng xin việc rất rộng (trong khi đó các ngành nghề thuộc về kỹ thuật rất ít người học) khiến bây giờ thừa nhân lực.
Trong những ngành kỹ thuật thì ngành IT đang rất "hot". Mức lương cao chóng mặt – nghìn rưỡi, hai nghìn đô một tháng – với một điều kiện rất đơn giản, đã có vài năm kinh nghiệm làm việc.
>>Nhà tuyển dụng thích CV tốt hơn bằng đại học loại giỏi
Vào khoảng 20 năm trước, ngành "hot" nhất là ngành xây dựng với vô số bố cáo thành lập doanh nghiệp có chức năng xây dựng, tư vấn giám sát xây dựng tràn ngập khắp các mặt báo. Kỹ sư xây dựng chỉ cần có bằng chính quy là được tuyển luôn, khỏi kinh nghiệm, khỏi CV đẹp.
Mười năm trước nữa, tức là 30 năm trước, cả xã hội phải ghen tỵ với nghề viễn thông, bằng cấp làng nhàng thu nhập "khủng". Còn nghề không cần bằng cấp như nghề ca sỹ, thậm chí không cần biết bảy nốt nhạc là gì, cũng rộ lên vì nghe đồn thu nhập của nghề này rất cao và "nhàn hạ".
Nghề được xem là thiêng liêng, thánh thiện nhất là nghề dạy học thì hiện nay đang trong tình trạng cạnh tranh cực kỳ gay gắt vì thừa thầy thiếu lớp. Chẳng ai biết trước được tương lai thế nào. Lúc bạn ứng tuyển vào ngành ít người học, nhiều người cũng nghĩ như vậy rồi khi tốt nghiệp thì đầy người ra. Lúc này nghề này "hot" lúc kia nghề đó hết "hot" ai biết được là lúc nào.
>> Phản đối bỏ xếp hạng bằng đại học - hé lộ tư duy học tại Việt Nam
Vào thời điểm mà nghề bạn chọn đang "hot" bạn có thể đắc chí. Nhưng... cái sự đắc chí ấy sẽ không lâu vì người ta nhất định sẽ đổ xô vào học những ngành đó như thiêu thân. Cho nên, sớm hay muộn chúng ta cũng phải quay lại những chuẩn tắc chung về công việc và xin việc.
Trong những nguyên tắc chung ấy sẽ không có chỗ cho những hiện tượng có tính cá biệt (chỉ tồn tại nhiều lắm là 10 năm khi thị trường nhân lực của những nghề này khuyết thiếu trầm trọng). Nếu bạn đang đắc chí với cái nghề đang "hot" của mình, với bằng cấp xếp loại cao của mình mà không cố gắng phấn đấu để có CV đẹp thì tương lai có hậu quả gì không cần nghĩ cũng đoán ra được.
Khi nhà tuyển dụng có nhiều lựa chọn hơn, bạn chắc chắn sẽ bị "đá" ra vì có rất nhiều người có bằng như bạn chấp nhận mức lương thấp hơn. Còn nếu bạn cố gắng phấn đấu để có CV đẹp thì quan trọng gì cái sự "hot" hay xếp loại bằng cấp ?
>> Công ty Mỹ cho tôi nghỉ việc sòng phẳng
CV của bạn sẽ đi với bạn đến cuối sự nghiệp còn bằng cấp, xin lỗi, chả có bằng cấp nào có giá trị vĩnh viễn cả. Bằng đại học mà 10 năm làm không đúng chuyên môn thì bằng ấy cũng bỏ đi. Bằng thạc sĩ 5 năm không có báo cáo khoa học nào cũng vứt sọt rác. Bằng tiến sỹ 2 năm không công bố kết quả nghiên cứu khoa học nào cũng vứt sọt rác. Chẳng có bằng nào có giá trị suốt đời đâu (trừ khi bạn luôn làm đúng chuyên môn nghề nghiệp).
Lúc tôi thi tốt nghiệp đại học, đề tài do tôi tự tìm ở một doanh nghiệp chuyên ngành mà chủ đề tài (người ra đề tài) cũng chính là giám đốc của doanh nghiệp đó. Tôi bảo vệ luận văn trước hội đồng thi 5 giáo sư, mỗi giáo sư ngồi một bàn riêng biệt, không ai được nói chuyện trao đổi riêng với ai.
Sau khi bạn trình bày (thời gian 15 phút), mỗi giáo sư hỏi một câu theo ý riêng của họ, bạn có 5 phút để trả lời một câu hỏi. Đến phần chấm điểm, mỗi người tự đưa ra điểm (viết trên giấy) trong đó quy định người chấm điểm cao nhất không chênh lệch với người chấm điểm thấp nhất quá 0,5 điểm. Vị giáo sư nào chấm điểm có mức chênh lệch quá cao hay quá thấp sẽ bị loại, sẽ không được mời tham gia hội đồng khảo thí sau. Bây giờ người ta có thi như vậy hay không tôi không biết.
>> "Tôi bị mắng ‘vô lương tâm’ khi nghỉ việc sau Tết"
Kinh nghiệm làm việc của tôi bây giờ thừa đủ để dạy sinh viên. Các vị giáo sư bây giờ và tôi cũng cùng một lứa với nhau chứ không cách biệt tuổi tác và kinh nghiệm như thời tôi còn là sinh viên nữa.
Tôi vẫn thường hay tiếp nhận những sinh viên đến doanh nghiệp xin đề tài. Tự nhiên có người đến xin làm không công cho mình, sao phải từ chối chứ? Đặc biệt, nếu anh/chị ấy làm tốt thì tôi sẽ nhận họ vào làm sau khi họ tốt nghiệp bất kể xếp loại tốt nghiệp của họ ra sao và họ sẽ không phải trải qua "công việc đơn giản lương thấp" vì trong khi thực tập họ đã chứng tỏ được bản thân.
Tóm lại, việc gì cũng vậy, CV là quan trọng nhất, nó chứng minh thái độ làm việc của bạn có nghiêm túc hay không. Nhảy việc không đúng chuyên môn chỉ vì lương cao thì quên đi dù bạn có giỏi bằng trời. Giỏi như vậy, đòi mức lương cao như vậy thì bạn nên ra làm chủ, muốn trả lương cho mình bao nhiêu thì trả.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.