Tôi đọc về diễn biến vấn đề bỏ xếp hạng trên bằng cấp ở Việt Nam mà khá ngỡ ngàng, nhiều ý kiến phản đối khá gay gắt. Tôi cho rằng đây là lỗi của ngành giáo dục lâu nay tại Việt Nam. Không phân tích sâu nữa vì đã có quá nhiều phân tích vì sao cần bỏ.
Nhưng tại sao sinh viên lẫn doanh nghiệp ở Việt Nam, vốn thường xuyên phàn nàn về phương pháp đào tạo thiếu tính thực tiễn, khi ra trường ngay cả bằng thạc sĩ vẫn không làm việc được, lại muốn thể hiện xếp hạng trên bằng cấp?
Khi những sinh viên muốn như vậy, tôi nghĩ đến những trường hợp sau:
- Ắt hẳn là họ rất giỏi, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp giỏi/ khá ở Việt Nam luôn có tỷ lệ cao. Nhưng doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn thiếu hụt nguồn nhân lực giỏi và phải tuyển từ nước ngoài?
- Tại sao họ giỏi/ khá nhưng lại ngại doanh nghiệp xét theo bảng điểm chứ không dựa trên xếp hạng?
- Và xin hỏi doanh nghiệp tuyển dụng, tại sao lâu nay lại phàn nàn về chất lượng đào tạo trong khi vẫn muốn dựa trên xếp hạng bằng?
Thiết nghĩ một bộ phận nhân sự giỏi phải thiết kế quy trình phỏng vấn phù hợp với mục đích của công ty. Sàng lọc hồ sơ theo bảng điểm không phải chính xác hơn sao?
Tôi nhận định phản ứng của nhiều sinh viên như hiện nay thể hiện hướng đi sai của ngành giáo dục, kể cả từ gia đình. Tôi và một số bạn có bằng MBA tại Mỹ, vài người trong chúng tôi đạt điểm Cum GPA 4.0 toàn A là tương đương hạng xuất sắc, số khác 3.9 có 1 B là giỏi. Quá trình học vô cùng gian nan và áp lực, nhiều người còn xem đây là quãng thời gian khó nhằn nhất trong đời họ, khó hơn nhiều cả việc kiếm tiền. Cũng đúng bởi khi đạt được mức đào tạo này thì làm việc trở nên dễ dàng hơn.
Cũng trong quá trình học, có nhiều học viên trong lớp cũng nợ lại môn, thi lại, bảo lưu kết quả và tiếp tục việc học khi thu xếp được thời gian. Nhưng khi tốt nghiệp là tốt nghiệp. Tấm bằng thể hiện bình đẳng như nhau.
Tất cả mọi người trong nhóm chúng tôi, dù đều học đúng tiến độ và vượt qua trơn tru, không một ai cảm thấy ganh đua, thiệt thòi hay bất công vì sao người kia xếp loại B,C,D mà bằng cấp cũng giống mình.
Xem nhiều trong ngày:
> 'Malaysia rất sợ Công Phượng'
> Giáo viên đánh học sinh có thể tạo ra thế hệ 'lì lợm'
> 'Đêm ở Đài Loan đáng sống như ngày'
> 'Lương dưới 10 triệu đồng đừng vội cưới'
> Xếp loại bằng đại học như một 'bản án học lực'
Tại sao lại nghĩ rằng bằng của bạn ghi giỏi thì bạn sẽ mặc nhiên thành công hơn người kia? Đây là giáo dục về tính chia sẻ, đồng cảm. Mỗi cá nhân được đảm bảo về quyền riêng tư và không ai lấy việc mình cao hơn người khác để đòi hỏi xã hội phải ghi nhận phân loại như các bạn sinh viên tại Việt Nam đang thể hiện.
Nhóm chúng tôi thậm chí còn thấy ái ngại khi mình may mắn hơn họ vì không phải gặp hoàn cảnh để bị gián đoạn nửa chừng. Tôi nhận ra có lỗ hổng lớn trong tư duy học tại Việt Nam. Đó là học không phải vì đam mê, thiếu nhiệt huyết và thiếu tính tương hỗ cộng đồng.
Thậm chí các bạn còn không thích để nhà tuyển dụng có thời gian nghiên cứu bảng điểm mà muốn có cái xếp hạng tốt nằm nhanh nhất trong tầm mắt. Trong khi đó cũng chỉ mới là trên phương diện lý thuyết. Nếu tôi nằm trong bộ phận tuyển dụng và biết được thái độ của ứng viên ngông nghênh như thế tôi sẽ loại ngay. Đừng hỏi tại sao phát triển kinh tế không đi liền với đạo lý xã hội.
Có thể nói Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ xếp hạng trên bằng cấp, quản lý bằng online có mã số truy cập riêng tránh tình trạng bằng giả cũng như đánh giá dựa trên điểm số từng môn học như các ý kiến tham khảo từ Mỹ, Nhật, Hàn..., là lộ trình cải cách đúng đắn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.