Cuối ngày thứ 11 của phiên xét xử đại án chuyến bay giải cứu, HĐXX dành thời gian cho 54 bị cáo nói lời sau cùng trước khi nghị án.
Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, 59 tuổi, dành gần 10 phút giãi bày về cuộc đời "không ngừng phấn đấu và nỗ lực vì đất nước", đặc biệt với ngành ngoại giao. Ông Dũng cho hay, sinh ra trong gia đình cách mạng, cả đời luôn nhớ lời cha mẹ dạy phải sống tốt. Trải qua nhiều công việc, chức vụ, nhưng ông không bao giờ có ý định "chạy chọt" hay lợi dụng quyền lực, trách nhiệm để trục lợi chính sách.
"Trước sức ép và sự căng thẳng của đại dịch ập đến, bị cáo được giao làm thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid, đã căng mình làm việc trên mọi lĩnh vực để chống dịch cả trong và ngoài nước, đặc biệt công tác ngoại giao vaccine và bảo hộ công dân, dù bối cảnh vô cùng khủng khiếp", ông nói.
Ngừng một lúc, cựu thứ trưởng Ngoại giao bật khóc, xin hưởng "khoan hồng tối đa" và tái khẳng định không bao giờ gây khó dễ, bàn bạc để tạo cơ chế hối lộ, luôn bị động trong việc tiếp xúc doanh nghiệp.
Trước đó, tại tòa, ông Dũng luôn khẳng định nhận tiền vì nể nang. Ông bị đề nghị 12-13 năm tù, với cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng - nhiều thứ 4 trong 21 bị cáo cùng tội danh Nhận hối lộ.
Cựu đồng nghiệp của ông Dũng tại Bộ Ngoại giao, cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, 49 tuổi, nói rất chua xót, hối hận, đau đớn vì 27 năm sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Nhưng chỉ vì "không nhận thức đầy đủ về quà tặng, nên phải đứng trước tòa".
Bà Lan khẳng định gặp doanh nghiệp chỉ vì nể nang lãnh đạo giới thiệu, sự nể nang này giờ khiến bà hối hận. "Nhiều người muốn qua gặp cảm ơn nhưng tôi còn từ chối. Vì không đủ bản lĩnh để vượt qua lời nói và sự khéo léo của họ, kết quả là bị cáo đã nhận quà", bà nói, đồng thời xin lỗi Đảng, nhân dân "bằng cả trái tim".
Trả lời xét hỏi trước đó, bà Lan khẳng định "luôn coi công dân bị mắc kẹt ở nước ngoài như người thân trong gia đình". Cựu cục trưởng bị VKS đề nghị 18-19 năm tù, với cáo buộc 32 lần nhận hối lộ, tổng 25 tỷ đồng - nhiều thứ ba trong các bị cáo, song mới khắc phục 1,2 tỷ đồng. Trong 28 cựu quan chức bị xét xử có 13 người là cựu cán bộ Bộ Ngoại giao.
Với cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất vụ án, 42,6 tỷ đồng, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên là người duy nhất bị đề nghị án tử hình. Bị cáo bật khóc từ những lời đầu tiên, nói sẽ rất nghiệt ngã nếu phải chịu mức án này, không muốn rời khỏi cuộc sống này khi còn quá trẻ.
VKS ghi nhận ông Kiên đã nộp 23 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhiều thứ hai trong 54 bị cáo. Bào chữa chiều nay, luật sư của Kiên cho biết, chị gái bị cáo xin được thay em nộp nốt gần 20 tỷ đồng còn lại trong 1-2 ngày tới.
Trước đó, luật sư của Kiên cho rằng số tiền thân chủ nhận hối lộ, 42,6 tỷ đồng là ít - bị VKS phê phán gay gắt trong buổi tranh luận sáng nay.
Liên quan vụ "chạy án" 2,65 triệu USD, Hoàng Văn Hưng - cựu điều tra viên Cục An ninh Điều tra, Bộ Công an, vẫn khẳng định bị oan và "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình để lấy lại sự trong sạch cho bản thân". Trong phần trình bày chưa đến 2 phút, Hưng nói tin vào sự phán quyết thận trọng của tòa, mong muốn không bị xử oan.
Hưng bị cáo buộc, trong thời gian làm điều tra viên chính vụ án chuyến bay giải cứu đã tiếp xúc và nhận tiền của doanh nghiệp, hứa hẹn không bị xử lý hình sự, nhưng sau đó chiếm đoạt.
Người môi giới cho phi vụ chạy án, cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn khẳng định đưa Hưng 2,65 triệu USD, song VKS cho rằng chỉ đủ căn cứ cáo buộc Hưng chiếm đoạt 800.000 USD. Bị cáo chưa khắc phục hậu quả, trong quá trình xét hỏi luôn cho rằng quá trình tố tụng sai phạm, thiếu khách quan, chưa đủ bằng chứng.
Sau khi công bố video về việc nhận valy được cho là đựng tiền, trong lượt đối đáp thứ hai diễn ra chiều nay, VKS cho rằng luận điểm của Hưng và luật sư đưa ra không có gì mới, chủ yếu là những đánh giá, nhận định cá nhân, vì vậy VKS không tranh tụng lại, giữ nguyên mức án đề nghị 19-20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, bị cáo buộc Môi giới hối lộ, cựu thiếu tướng công an Nguyễn Anh Tuấn giọng chậm, hai lần xin lỗi Đảng, Nhà nước và đồng đội tại Công an Hà Nội. "Suốt 44 năm công tác luôn cố gắng phấn đấu, rèn luyện nhưng sắp nghỉ hưu lại vấp ngã. Bị cáo thấy rất đau xót, đau khổ, khi chỉ vì thương người, tin người mà dẫn đến vi phạm pháp luật", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn được VKS ghi nhận đã hoàn thành nghĩa vụ khắc phục hậu quả khi nộp 1,85 triệu USD - nhiều nhất trong 54 bị cáo. Ông là một trong 9 người được VKS đề nghị giảm án trưa nay, hiện ông Tuấn bị đề nghị 5-6 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Quang Linh (49 tuổi, cựu trợ lý của Phó thủ tướng thường trực) ngoài xin lỗi Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Chính phủ, còn đặc biệt xin lỗi lãnh đạo trực tiếp. "Chỉ vì không rèn luyện nên đã đánh rơi mất đạo đức", ông Linh nói.
Ông Linh bị đề nghị 7-8 năm tù với cáo buộc 5 lần nhận hối lộ, tổng hơn 4,2 tỷ đồng, nhiều thứ 9 trong vụ án.
Kết thúc ngày thứ 11 lúc 19h30, HĐXX dành thời gian nói lời sau cùng cho các bị cáo còn lại vào sáng mai.
Phiên tòa dự kiến diễn ra một tháng.
>>Mức án đề nghị với 54 bị cáo sau điều chỉnh
VKS xác định từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố - nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt 372 chuyến bay combo. Để có chi phí "bôi trơn" khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Tổng số tiền đưa nhận hối lộ được xác định 165 tỷ đồng.
Phạm Dự - Thanh Lam