Sáng 21/7, đại diện VKS đối đáp với quan điểm luật sư bào chữa cho rằng đã "quy kết chưa chính xác" với bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Y tế, bị VKS đề nghị án tử hình vì nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng). Theo luật sư, 42,6 tỷ đồng bị cáo nhận từ 18 doanh nghiệp, cần chia trung bình để xác định số tiền của mỗi doanh nghiệp. Từ đây, sẽ đánh giá khoản tiền đó chiếm bao nhiêu phần trăm lợi nhuận, xác định số tiền Kiên nhận hối lộ có thực sự lớn?
VKS đánh giá số tiền Kiên nhận đặc biệt lớn, bằng cả gia tài của người dân bình thường. Song trong phần bào chữa, các luật sư cho rằng VKS "căn cứ hoàn cảnh người khác" để quy kết vậy là "chưa chính xác", cần phải xem xét qua hai góc độ.
Mở đầu phần đối đáp, công tố viên nhắc lại lời luật sư của bị cáo Kiên: "Với lượng khách được hồi hương khoảng 30.000 người, mỗi người bỏ ra 500.000-2 triệu đồng để đổi lấy sự an toàn và tính mạng, sức khỏe có lớn không để phải ở lại ở nước ngoài mắc Covid? Và có lớn không với thu nhập trung bình của người Việt đang sinh sống làm việc ở nước ngoài? Đó còn chưa kể đến giá trị tinh thần vô giá họ nhận được khi được đoàn tụ với gia đình người thân trong nước?".
VKS nói: "Thật sự rất phẫn nộ vì cách hiểu này. Quan điểm của luật sư thể hiện sự thờ ơ vô cảm với nỗi đau của đồng bào trong dịch bệnh, với mất mát của nhân loại toàn thế giới".
VKS đánh giá các sai phạm đều diễn ra trong giai đoạn Covid-19 bùng phát căng thẳng, phức tạp. WHO thống kê 15 triệu người toàn thế giới đã chết vì Covid. Riêng ở Việt Nam, Bộ Y tế thống kê đến ngày 19/7 là 43.206 người. Lúc đó, đồng bào ở nước ngoài cùng cực, chỉ mong muốn không bị bỏ lại nơi đất khách.
"Nói để dẫn chứng hành vi của các bị cáo đã làm mất tính nhân đạo của những chuyến bay giải cứu. Sai phạm đã gây bất bình trong nhân dân, phản bội sự cố gắng của cả đất nước", VKS nói. "Chính vì vậy chúng tôi cho rằng, lời bào chữa của luật sư còn xúc phạm đến tất cả người Việt, những người đã trải qua một đại dịch thảm khốc đau thương. Nếu đem số tiền 42,6 tỷ Kiên nhận hối lộ chia cho 30.000 kiều bào hồi hương, theo luật sư là có thể không lớn, nhưng....", VKS dừng lời, không trình bày tiếp.
Kiểm sát viên sau đó đề nghị HĐXX công tâm đánh giá, bởi không muốn làm mất văn hóa tranh tụng.
VKS: Không thể vô ý nhận tiền tới 253 lần
Về quan điểm thứ hai của luật sư, rằng "Kiên không có chức vụ quyền hạn rõ trong Bộ Y tế để gây ảnh hưởng quyết định duyệt hay không duyệt chuyến bay, không phải thư ký thứ trưởng", VKS dẫn lại văn bản ngày 19/12/2019 Bộ Y tế gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế. Theo đó, từ ngày này, Kiên được biệt phái làm công tác thư ký giúp việc Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên.
VKS phân tích, tháng 3/2022, Văn phòng Bộ Y tế cho hay, chức danh thư ký thứ trưởng chưa được quyết định chính thức, song trách nhiệm của Kiên là tiếp nhận văn bản từ văn thư để trình, báo cáo Thứ trưởng và các nhiệm vụ khác trình lãnh đạo phân công trực tiếp.
Theo Luật Phòng chống tham nhũng và thực tế trong công tác chống dịch, Bộ Y tế, cụ thể Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là một trong những Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch. Hơn nữa, trong tổ công tác 4 bộ, Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng với việc cấp phép chuyến bay.
Như vậy, Kiên là "người có chức vụ quyền hạn và trực tiếp tham gia một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. "Nếu Kiên không thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ, thực hiện chậm khi có phê duyệt của Thứ trưởng Tuyên như giữ lại, không đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao thì vẫn ảnh hưởng rất lớn đến việc cấp phép. Chỉ đóng dấu chậm một ngày là đổ bể chứ chưa nói đến việc không chịu đóng dấu", kiểm sát viên đánh giá.
Theo lời khai tại toà, rất nhiều bị cáo (thuộc doanh nghiệp) sợ Kiên vì nếu không gặp gỡ đưa tiền sẽ bị gây khó khăn bằng việc không đóng dấu, trả văn bản. Trong 19 doanh nghiệp đưa hối lộ có tới 12 công ty khai Kiên trực tiếp ra giá 150-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc 1-2 triệu đồng mỗi hành khách.
Giữ nguyên quan điểm "Kiên nhận hối lộ trắng trợn công khai, gây khó khăn cho doanh nghiệp", VKS cho rằng, sau khi vụ án bị khởi tố Kiên còn gọi điện cho các doanh nghiệp nhờ xác nhận đó là tiền vay mượn, thỏa thuận góp vốn nhằm che giấu hành vi phạm tội.
12 tỷ đồng Kiên chuyển trả phía doanh nghiệp sau khi vụ án "lộ sáng" đều có nội dung chuyển khoản "trả tiền vay". Thực tế đây là tiền nhận hối lộ, không phải hợp tác kinh doanh vay mượn.
Với các luận điểm trên, VKS khẳng định Kiên không "vô ý nhận hối lộ" như lập luận của các luật sư, từ chối đề nghị thay đổi tội danh sang Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. "Bị cáo Kiên đã nhận hối lộ tới 253 lần, không thể nói vô ý nhận hối lộ tới 253 lần được", VKS kết luận.
Bị cáo Phạm Trung Kiên: Mức án đề nghị quá nghiệt ngã
Trong ba tự phút trình bày vào chiều 21/7, bị cáo Kiên "nhận lỗi với nhân dân" và cho rằng mức án VKS đề nghị với mình "quá nghiệt ngã".
Bị cáo trình bày về thành tích chống Covid-19, gia đình nhiều người thân chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, chống Pháp. "Bị cáo có những tình tiết như vậy nhưng lại không được xem xét giảm nhẹ khung hình phạt, bị đề nghị mức án nghiệt ngã", Kiên cúi mặt nói.
Trước cáo buộc đã thúc ép, vòi vĩnh 12/19 doanh nghiệp đưa tiền, cựu thư ký 42 tuổi tiếp tục khẳng định không có việc này. "Bị cáo không bao giờ gây khó khăn để thúc ép các doanh nghiệp đưa tiền", cựu thư ký thứ trưởng Y tế nói.
Phạm Trung Kiên là bị cáo duy nhất bị VKS đề nghị án tử hình. Ông Kiên được cơ quan công tố ghi nhận đã trả 12 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trong giai đoạn điều tra, đồng thời nộp 15 tỷ đồng khắc phục hậu quả vụ án. Trong ngày 18/7, VKS ghi nhận vợ ông Kiên đã nộp thêm 8 tỷ.
Hiện, VKS ghi nhận ba người nộp khắc phục nhiều nhất vụ án là cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn với 1,85 triệu USD (43,7 tỷ đồng); Vũ Anh Tuấn, cựu phó phòng tham mưu, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an, nộp 20 tỷ đồng và ông Kiên 23 tỷ đồng.
VKS và các luật sư đang tiếp tục đối đáp.
>>Mức án VKS đề nghị với 54 bị cáo
Thanh Lam - Phạm Dự