Chiều 17/7, phiên xét xử 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" bắt đầu phần tranh luận, chỉ 4 bị cáo giơ tay xin tự bào chữa trong khi những người khác đều nhường quyền trước cho luật sư. Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an, là người đầu tiên trình bày.
Ông Hưng bị cáo buộc cùng bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) nhận "chạy án" cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh). Tuy nhiên, cựu điều tra đưa thông tin gian dối để chiếm đoạt 800.000 USD của bà Hằng.
Ông Hưng bị VKS đề nghị 19-20 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Tuấn bị đề nghị 6-7 năm về với cáo buộc Môi giới hối lộ 2,6 triệu USD, bà Hằng bị đề nghị 10-11 năm về tội Đưa hối lộ.
Khi trình bày 40 phút, bị cáo Hưng một lần nữa khẳng định ông Tuấn khai báo không đúng sự thật, đổ trách nhiệm. Còn bị cáo Hằng khai sai có định hướng, nhằm gây bất lợi cho Hưng.
Theo Hưng, cơ quan điều tra không có căn cứ nhập hai vụ án "chuyến bay giải cứu" và "chạy án" làm một, do đây là hai hành vi độc lập, lẽ ra phải xử ở hai vụ án. Bị cáo Hưng đặt nghi vấn: Việc nhập vào một liệu có phải nhằm tạo sự đồng thuận với VKS hay không?".
Cựu điều tra viên 43 tuổi cho rằng, bà Hằng có hai hành vi đưa hối lộ khi thực hiện chuyến bay giải cứu và chạy án nhưng lại chỉ bị xử lý một hành vi. "Nếu nhập vụ án như thế này thì ông Đinh La Thăng, Nguyễn Đức Chung có bị xử lý ở nhiều vụ như vậy không", Hưng trình bày tại phiên tòa chiều 17/7.
Tiếp tục nêu nghi vấn "bỏ lọt tội phạm", Hưng nói tháng 2-10/2022, ông Tuấn đã nhận của bà Hằng 1,8 triệu USD nhưng không đưa cho ai, như vậy "đã đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", chứ không chỉ là Môi giới hối lộ như truy tố.
Chủ tọa lập tức nhắc nhở: "Bị cáo bào chữa cho mình nhưng đừng dùng thuật ngữ buộc tội cho các bị cáo khác".
Tự bào chữa, Hưng cho rằng cơ quan điều tra khởi tố, xác định tội danh khi chỉ dựa vào lời khai duy nhất, không có chứng cứ. Bị cáo kêu oan từ khi bị khởi tố nhưng cơ quan điều tra chỉ có một buổi hỏi cung kéo dài 10 tiếng, vào thời điểm trước khi kết luận vụ án. Theo Hưng, lúc hỏi cung, điều tra viên lúc nào cũng bắt đầu bằng câu "có căn cứ, tài liệu khẳng định", nhưng "không đưa ra được chứng cứ".
Bị cáo Hưng nói quá trình điều tra đã "vi phạm tố tụng" khi cho mình đối chất với ông Tuấn (bị tạm giam) trước, sau đó đến bị cáo Hằng (được tại ngoại), trong khi phải ngược lại. Suốt buổi đối chất, Hưng cho rằng bà Hằng được sử dụng các thông tin chuẩn bị sẵn.
Theo cựu điều tra viên, việc gặp bà Hằng không có động cơ vụ lợi, tất cả chỉ vì công việc, "mong những điều tốt đẹp nhất cho vụ án". Bị cáo khai không chỉ gặp bà Hằng còn gặp 3 bị cáo khác để động viên ra đầu thú và đều không đòi hỏi. "Đề nghị HĐXX có thể hỏi những người đó", bị cáo nói.
Với cáo buộc lừa đảo, bị cáo Hưng biện minh không thể lừa một người là Thủ trưởng Cơ quan An ninh như ông Tuấn. "Bị cáo lừa ông Tuấn chẳng khác nào học sinh giảng bài cho thầy cô giáo", Hưng giải thích.
Trước cáo buộc lần cuối cùng nhận 450.000 USD đựng trong cặp da trước khi bị bắt, cựu điều tra viên chính của vụ án này giải thích, việc kết luận trong cặp có tiền chỉ dựa vào lời khai duy nhất của ông Tuấn, không có chứng cứ nào khác. "Không có chứng cứ bởi tiền không có thật. Giả dụ cặp có tiền, bị cáo có nhận ở ngay cổng cơ quan mình không, nơi mà có hàng trăm camera giám sát. Bị cáo còn rất ngay thẳng, khi nếu không, bị cáo đã thống nhất với tài xế để tạo ra lời khai có lợi cho mình", bị cáo Hưng tự bào chữa.
Không cầm giấy, bị cáo Hưng viện dẫn một lúc 13 điều trong Bộ luật Tố tụng hình sự để cho rằng VKS phê chuẩn quyết định khởi tố bị can khi không có chứng cứ, không có lời khai của bị can. "Liệu ở đây có phải là phê chuẩn để ủng hộ nhau hay không?", bị cáo nói.
Bị cáo Hưng mong VKS hãy công tâm, trách nhiệm để đánh giá lại các chứng cứ; cho rằng theo quy trình khi có bị can kêu oan lẽ ra kiểm sát viên phải hỏi cung nhưng lại không làm.
Nêu thắc mắc về số tiền bị cáo buộc, bị cáo nói theo quy kết của VKS, ông Tuấn nhận của bà Hằng 2,65 triệu USD rồi chuyển Hưng 800.000 USD, song "phần luận tội, VKS nói ông Tuấn môi giới 2,65 triệu USD. "Vậy còn 1,85 triệu USD đi đâu, đưa cho ai. Nếu 1,85 triệu USD đấy không bị quy kết cho bị cáo thì nó là hành vi gì?", bị cáo Hưng đề nghị VKS làm rõ vấn đề này.
Cuối phần bào chữa, bị cáo Hưng tiếp tục khẳng định không nhận tiền từ ông Tuấn, tổng 800.000 USD qua hai lần như cáo buộc. "Bị cáo tin tưởng rằng khi anh Tuấn suy nghĩ thông suốt, khi nhận rõ được ai thực sự là bạn, khi đạo nghĩa và tình người vượt lên tất cả, anh Tuấn sẽ suy nghĩ lại", bị cáo Hưng nói.
Không như những gì bị cáo Hưng trình bày, trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ khẳng định Hưng đã đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD của bị cáo Hằng.
Lời khai của bị cáo Tuấn và Hằng thể hiện từ 2019 đến trước tháng 1/2022, bị cáo Hưng và Tuấn chỉ có 5 cuộc gọi. Tuy nhiên từ tháng 1 đến tháng 12/2022, hai người này đã liên lạc 435 lần, chủ yếu gọi qua mạng xã hội Viber và sim không chính chủ. Bị cáo Hưng và Hằng không phát sinh cuộc gọi nào là do Hưng cấm Hằng trực tiếp liên lạc mà tất cả thông qua ông Tuấn.
Với số tiền 1,25 triệu USD các bị cáo khai đã đưa, VKS cho rằng không đủ cơ sở kết luận bị cáo Hưng đã nhận. Tuy nhiên hành vi của cựu điều tra viên này có dấu hiệu của tội Xâm phạm hoạt động tư pháp. VKS thấy cần kiến nghị tiếp tục làm rõ sau để xử lý răn đe.
Ngày mai, phiên toà tiếp tục phần tranh tụng.